DN dầu khí chờ cú huých từ đại dự án tỷ USD

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau nhiều năm trì hoãn, việc chuỗi dự án khí, điện Lô B - Ô Môn sẽ khởi công thời gian tới được kỳ vọng tạo cú huých cho các doanh nghiệp - nhà thầu ngành dịch vụ, kỹ thuật dầu khí ở phân khúc thượng nguồn như PVDrilling, PTSC, PV Coating, PVC-MS… cải thiện hiệu quả hoạt động.
Việc triển khai chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn sẽ mang lại nhiều cơ hội việc làm cho doanh nghiệp ngành dịch vụ, kỹ thuật dầu khí. Ảnh: Hoàng Hà
Việc triển khai chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn sẽ mang lại nhiều cơ hội việc làm cho doanh nghiệp ngành dịch vụ, kỹ thuật dầu khí. Ảnh: Hoàng Hà

Bức tranh kinh doanh nhiều khó khăn

Kết thúc 9 tháng đầu năm 2022, Tổng công ty CP Dịch vụ kỹ thuật dầu khí (PTSC) ghi nhận kết quả kinh doanh kém khả quan với lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 415,2 tỷ đồng, giảm 19,7% so với cùng kỳ 2021. Biên lợi nhuận gộp giảm xuống 4,9% từ mức 6,4% cùng kỳ năm trước.

Tại Tổng công ty CP Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí (PVDrilling), tình hình bi quan hơn khi báo lỗ 150,5 tỷ đồng sau 9 tháng, tăng mạnh so với con số lỗ 30,4 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái trong bối cảnh biên lợi nhuận gộp sụt giảm và các chi phí tài chính tăng mạnh theo đà tăng của lãi suất, tỷ giá VND/USD. Cũng trong nhóm các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ, kỹ thuật cho ngành dầu khí, Công ty CP Bọc ống dầu khí Việt Nam (PV Coating) liên tiếp báo lỗ trong quý II và III/2022.

Kết quả kinh doanh sau 9 tháng của năm 2022 cho thấy, tình trạng khó khăn của các doanh nghiệp ngành dịch vụ, kỹ thuật dầu khí suốt từ năm 2015 vẫn chưa kết thúc.

Chẳng hạn tại PTSC, trong bối cảnh khối lượng công việc tại các dự án dầu khí trong nước sụt giảm, những năm gần đây PTSC đã tích cực tìm kiếm công việc ở thị trường nước ngoài, nổi bật là việc trúng thầu các gói EPCI2 thuộc Dự án Gallaf Batch 1, gói EPC05 (với tư cách tổng thầu), EPC06 (với tư cách là thầu phụ) thuộc Dự án Gallaf Batch 3, mỏ Al-Shaheen - mỏ dầu ngoài khơi lớn nhất của Qatar.

Tận dụng kinh nghiệm thi công ngoài khơi, PTSC cũng tham gia cung cấp dịch vụ cho nhiều dự án sản xuất điện gió gần bờ và xa bờ. Tuy vậy, kết quả kinh doanh vẫn không được cải thiện, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ giai đoạn 2020 - 2021 chỉ hơn 600 tỷ đồng/năm, chưa bằng 1/3 mức lợi nhuận của năm 2014.

Với PVDrilling, những năm gần đây doanh nghiệp luôn tìm kiếm các hợp đồng cho thuê giàn khoan cho khách hàng tại thị trường nước ngoài, kết hợp nhiều biện pháp tiết giảm chi phí, nhưng lợi nhuận vẫn ở mức rất thấp, nhiều quý thua lỗ. PV Coating thậm chí có đến 7/9 quý kinh doanh thua lỗ từ quý III/2020 đến nay, dù cũng tích cực tìm kiếm và thực hiện các dịch vụ ngoài lĩnh vực kinh doanh chính.

Lợi nhuận doanh nghiệp dầu khí qua các năm

Chờ cú huých từ đại dự án tỷ USD

Chuỗi dự án khí, điện Lô B - Ô Môn là một trong những chuỗi dự án khai thác dầu khí lớn nhất Việt Nam được lên kế hoạch triển khai trong nhiều năm trở lại đây. Với sản lượng khai thác khí khoảng 5,06 tỷ m3/năm trong khoảng 20 năm để cấp cho các nhà máy điện tại khu vực Kiên Giang và Ô Môn, Lô B - Ô Môn được đánh giá là dự án quan trọng giúp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Tuy vậy, vướng mắc ở thủ tục đầu tư của các nhà máy nhiệt điện đã dẫn đến sự chậm tiến độ của toàn chuỗi dự án. Trong thời gian gần đây, có nhiều tín hiệu tích cực cho thấy các vướng mắc đang từng bước được tháo gỡ, đem lại triển vọng đại dự án sớm được triển khai.

Báo cáo tháng 10/2022 của Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, những vướng mắc pháp luật đối với chuỗi dự án về cơ bản đã được giải quyết. Hiện tại, vướng mắc chủ yếu đến từ việc chưa thống nhất được cơ chế tiêu thụ điện ở khâu hạ nguồn đối với Nhà máy điện Ô Môn 2 và 3. Tuy vậy theo BVSC, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, nhiều khả năng dự án này có thể nhận được quyết định đầu tư trong tháng cuối cùng của năm 2022 để triển khai thi công trong giai đoạn 2025 - 2027.

Ở phân khúc thượng nguồn (Dự án Phát triển mỏ khí Lô B), phạm vi công việc bao gồm một giàn xử lý trung tâm (CPP), 46 giàn đầu giếng (WHP), một giàn nhà ở, một tàu chứa condensate (FSO) và 750 giếng khai thác. Các công trình này sẽ đem lại lượng công việc dồi dào cho những doanh nghiệp như Công ty CP Kết cấu kim loại và Xây lắp dầu khí (PVC-MS), Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí (PVC), PTSC…

Với PTSC, việc đã chứng tỏ được năng lực của mình trong lĩnh vực xây lắp dầu khí ở cả thị trường trong và ngoài nước sẽ là lợi thế lớn của nhà thầu này. PTSC cũng có cơ hội giành được các hợp đồng FSO nhờ vị thế nhà cung cấp dịch vụ FSO/FPSO (kho nổi chứa dầu khí/dịch vụ kho nổi chứa, xử lý và xuất dầu thô) lớn nhất tại Việt Nam hiện nay.

Với PVDrilling và Tổng công ty Hóa chất và Dịch vụ dầu khí (PVChem) - đơn vị chuyên cung cấp dung dịch khoan, hơn 700 giếng khai thác của Dự án có thể mang lại nguồn việc làm trong nhiều năm.

Trong khi đó, Dự án Đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn có tổng chiều dài hơn 430 km với tổng mức đầu tư 1,2 tỷ USD sẽ là nguồn công việc dồi dào cho PVCoating, PTSC và các đơn vị thành viên của PTSC nếu giành được hợp đồng EPC tại dự án này.

Điểm cộng cho nhóm doanh nghiệp ngành dịch vụ kỹ thuật dầu khí là duy trì được cơ cấu tài chính tốt, không có vay nợ hoặc nợ vay thấp trong cấu trúc nguồn vốn, nguồn tiền dự trữ khá dồi dào. Đây là điểm tựa quan trọng trong việc bảo đảm khả năng thực hiện các gói thầu quy mô lớn.

Nối tiếp Lô B - Ô Môn, việc tiếp tục tháo gỡ vướng mắc để triển khai những dự án dầu khí quy mô lớn khác như Mỏ khí Cá Voi Xanh, Mỏ khí Lạc Đà Vàng, Mỏ khí Nam Du - U Minh… trong kế hoạch phát triển của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp lành mạnh cải thiện hiệu quả trong những năm tới.

Chuyên đề