Định mức, đơn giá cần theo sát thị trường

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bất cập từ định mức, đơn giá là một tác nhân ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng cũng như gây nhiều khó khăn cho nhà thầu. Báo Đấu thầu ghi nhận ý kiến từ nhiều nhà thầu về vấn đề này.

Nhiều tồn tại trong vận dụng bộ định mức dự toán chuyên ngành điện

Ông Hoàng Hữu Hà, Giám đốc Công ty CP Xây lắp điện Hà Nội

Hiện nay, định mức dự toán tại nhiều gói thầu trong lĩnh vực xây lắp điện chưa phù hợp chi phí thực tế, nhiều dự toán được lập thấp hơn so với chi phí mà nhà thầu phải chi trả. Do đó, doanh nghiệp phải khảo sát, tính toán rất kỹ khi xây dựng đơn giá dự thầu, đôi khi gần như chấp nhận hòa vốn trong trường hợp không có biến động về giá vật tư.

Về nguyên nhân, đầu tiên là cách vận dụng bộ định mức dự toán chuyên ngành chưa phù hợp với thực trạng của các công trình. Công trình điện là loại công trình đặc thù, có tính chất địa hình phức tạp, khối lượng thi công không tập trung, trải dài, việc di chuyển vật tư, vật liệu, dụng cụ, thiết bị, nhân công thường khó khăn, môi trường làm việc nguy hiểm, điều kiện sinh hoạt thấp, đồng thời cần nhiều nhân lực cho công tác bảo vệ tài sản tại công trường, từ đó phát sinh nhiều chí phi tăng thêm. Trong khi hợp đồng triển khai gói thầu lĩnh vực này thường áp dụng đơn giá cố định. Bên cạnh đó, khâu khảo sát, thiết kế đôi khi chưa phản ánh hết hiện trạng, điều kiện thi công. Biến động giá nguyên vật liệu, giá nhân công cũng là nguyên nhân khiến các dự toán được lập trước đó không còn phù hợp tại thời điểm triển khai hợp đồng.

Đối với công tác đền bù phục vụ thi công, hiện đang áp dụng theo hình thức thỏa thuận, phát sinh nhiều bất cập. Do đó, công tác đền bù phục vụ thi công cần được áp dụng theo đơn giá định mức của từng địa phương trong thu hồi, đền bù mặt bằng đất vĩnh viễn, tạo thuận lợi cho các nhà thầu trong triển khai hợp đồng.

Thực tế thi công phát sinh nhiều chi phí không có trong định mức của Nhà nước

Ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Thương mại Tuấn Phong

Giá đầu vào ngành xây dựng gồm: vật liệu, thiết bị, nhân công, xăng dầu đang tăng cao, trong khi đơn giá, định mức của Nhà nước chưa cập nhật kịp thời, điều này gây khó khăn cho các nhà thầu thi công xây dựng công trình sau khi trúng thầu. Dù với hình thức hợp đồng nào thì nhà thầu xây dựng cũng gặp khó vì giá cả leo thang.

Bên cạnh đó, trong quá trình thi công, do bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khách quan như: địa hình, mặt bằng, thời tiết…; công tác tổ chức thi công phức tạp, phát sinh nhiều chi phí xây dựng hiện chưa có trong định mức hoặc có nhưng lại không phù hợp với điều kiện thi công thực tế.

Để đơn giá, định mức của Nhà nước thanh toán cho nhà thầu sát với thực tế, các cơ quan quản lý cần nghiên cứu, tổng hợp, đánh giá, rà soát thường xuyên các định mức, công bố cập nhật và công khai để các chủ đầu tư có cơ sở điều chỉnh giá thanh toán cho nhà thầu trong trường hợp thực tế thi công có nhiều biến động về giá cả nguyên vật liệu.

Hiện nay, việc cập nhật đơn giá, định mức xây dựng đang lỗi thời so với thực tế nên nhà thầu mong muốn có cơ quan theo dõi thường xuyên biến động giá trên thị trường để sớm đề xuất thay đổi chính sách về đơn giá cho kịp thời và phù hợp. Các cơ quan chức năng cũng cần phối hợp chặt chẽ, giảm thủ tục hành chính để khi có đề xuất thay đổi, biến động lớn về giá thì có thông tin, giải pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn kịp thời cho nhà thầu.

Điều chỉnh đơn giá, định mức khuyến khích nhà thầu ứng dụng công nghệ mới

Ông Lê Văn Quân, Phó Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Đức An

Nhiều đơn giá, định mức đến thời điểm hiện tại không còn phù hợp, chưa theo kịp thay đổi của các tiêu chuẩn, quy chuẩn, công nghệ, thiết bị xây dựng mới, hay chưa bảo đảm nguyên tắc tính đúng, tính đủ phù hợp điều kiện xây dựng và giá thị trường tại các khu vực xây dựng.

Ví dụ như định mức AG.12200 hiện nay đối với công tác xây dựng bê tông dầm cầu I, T đổ bằng xe bơm bê tông, cẩu chuyển dầm về bãi trữ, định mức dùng cho dầm I và dầm T, riêng dầm super T dài 38,3m thì chỉ khác là sử dụng cổng trục 90T thay cho 60T. Tuy nhiên, thực tế khi thi công dầm super T, vật liệu cần thêm dầu Separol, phụ gia Atiso E, phụ gia Rugaso C. Hiện nay các công trình cầu sử dụng rất nhiều dầm super T nên kiến nghị cần bổ sung thêm định mức riêng cho đổ bê tông dầm cầu super T.

Hay định mức cho lắp dựng cấu kiện bê tông đúc sẵn, hiện nay, trong thi công công trình giao thông, khối lượng tấm đan cống bản, cống hộp to rất lớn, trong khi mã định mức chỉ có mã cho loại 200 kg, không phù hợp. Do đó kiến nghị cần bổ sung định mức cho cấu kiện đúc sẵn có trọng lượng 1 tấn; 2 tấn; 3 tấn và >3 tấn…

Còn nhiều định mức cho công tác khác như xây dựng rọ đá và xếp khan; sơn kẻ đường bằng sơn dẻo nhiệt phản quang; ván khuôn… còn bất cập, có công tác xây dựng mà nhà thầu làm chỉ có thiệt vì bị âm khối lượng ngay từ định mức.

Tôi cho rằng nên tiến hành đợt khảo sát, lấy ý kiến rộng rãi các nhà thầu tư vấn thiết kế, nhà thầu xây lắp… và điều chỉnh lại cho phù hợp, tạo thuận lợi cho quản lý đầu tư xây dựng và cả nhà thầu, khuyến khích nhà thầu ứng dụng công nghệ mới.

Bất cập về định mức nhân công chậm sửa đổi khiến nhà thầu khó khăn

Ông Lê Đức Thọ, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Cienco4

Hiện nay, định mức nhân công xây dựng được các cơ quan chức năng công bố thấp hơn so với thực tế thị trường rất nhiều. Trong dự toán các gói thầu, phần chi phí nhân công thực hiện rất bất cập so với chi phí lương công nhân, người lao động mà nhà thầu phải chi trả. Chẳng hạn, trong định mức của Nhà nước hiện nay, lương nhân công cao nhất là 370.000 đồng/ngày, trong khi thực tế, mức trung bình mà nhà thầu phải chi trả cho người lao động là 450.000 - 500.000 đồng/ngày, chưa kể với các công việc đặc thù, đòi hỏi kinh nghiệm chuyên môn và tay nghề cao, nhà thầu phải trả nhân công từ 600.000 - 700.000 đồng/ngày.

Khó khăn, bất cập này đã được các nhà thầu phản ánh tới nhiều nơi, diễn ra trong một thời gian dài nhưng đến thời điểm hiện tại, giá công bố của các địa phương, sở, ngành, các bộ đưa ra để áp dụng lập dự toán vẫn thấp hơn so với thực tế. Khó khăn và gánh nặng chi phí này của nhà thầu sẽ vẫn đeo đẳng vì quá trình thực hiện các gói thầu hiện tại còn kéo dài khoảng 1 - 3 năm. Chưa nói những khó khăn khác trong bối cảnh dịch Covid-19 và “bão” giá nguyên vật liệu hiện nay, riêng chi phí trả lương cho người lao động so với định mức được thanh toán, nhà thầu phải bù chi phí rất nhiều.

Nhà thầu mong muốn Chính phủ sớm ban hành cơ chế, chính sách mới cập nhật và tính toán chi phí nhân công hợp lý, sát thị trường, có tính đến yếu tố đặc thù của ngành giao thông (làm công trình ở các vùng địa lý khó khăn, vùng sâu, vùng xa), áp dụng ngay vì chậm ngày nào, nhà thầu chịu thiệt và thêm khó khăn ngày đó.

Đơn giá thiết bị công nghệ thông tin chưa được cập nhật kịp thời

Bà Đinh Thị Diễm, Giám đốc Công ty TNHH Máy tính kết nối

Hiện nay, các thiết bị điện tử, công nghệ thông tin như máy tính để bàn, máy tính bảng, màn hình, con chip, linh kiện… đều có mức độ tăng giá từ 25 - 30% so với đơn giá. Cá biệt, có những thiết bị giá đã tăng 50%. Cộng với việc nguồn cung khan hiếm, đứt gãy cung ứng, thậm chí hết hàng cục bộ… khiến các nhà thầu cung cấp hàng hóa trong lĩnh vực này gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, đơn giá do các sở tài chính ban hành hiện chưa bám sát, chưa phản ánh đúng giá thị trường, dẫn tới ban hành đơn giá quá thấp. Cụ thể, một bộ máy tính cơ bản của các hãng VTB, FPT… đang được hãng phân phối sỉ với giá từ 11,6 đến 11,8 triệu đồng/bộ. Đây cũng là đơn giá phổ biến để các đơn vị tiến hành mua sắm. Như vậy, nếu nhà thầu chào bằng giá công bố, mọi chi phí liên quan như nhân công, lắp đặt, thuế, phí, lãi suất, kho bãi… đều đổ lên vai nhà thầu. Dự thầu nhưng xác định sẽ lỗ mỗi thiết bị từ vài trăm ngàn đến cả triệu đồng là bài toán đau đầu với mọi nhà thầu hiện nay.

Mặt khác, tại một số chủ đầu tư, thủ tục tiến hành mời thầu, thời gian thẩm định kéo dài, trong khi giá mặt hàng điện tử không ngừng “nhảy múa”. Đơn cử như màn hình LCD 21 inch, hiện nay đơn giá thị trường là hơn 3 triệu đồng, trong khi đơn giá mời thầu vẫn đang ở mức 2,5 - 2,7 triệu đồng/sản phẩm. Với những hợp đồng đã ký, những phát sinh này đều do phía nhà thầu chấp nhận.

Chuyên đề