Điều trần trước Quốc hội, ông Powell lo kinh tế Mỹ suy thoái

0:00 / 0:00
0:00
“Đó không phải một hệ quả nằm trong chủ đích của chúng tôi, nhưng chắc chắn là một khả năng", Chủ tịch Fed nói về nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ...
Chủ tịch Fed Jerome Powell điều trần trước Uỷ ban Ngân hàng thuộc Thượng viện Mỹ ngày 22/6/2022 - Ảnh: Bloomberg/CNBC.
Chủ tịch Fed Jerome Powell điều trần trước Uỷ ban Ngân hàng thuộc Thượng viện Mỹ ngày 22/6/2022 - Ảnh: Bloomberg/CNBC.

Trong buổi điều trần trước Quốc hội Mỹ ngày 22/6, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang nước này (Fed) Jerome Powell nói rằng Fed quyết tâm kéo lạm phát xuống và có đủ khả năng để đạt được mục tiêu đó. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận khả năng nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào suy thoái.

“Tại Fed, chúng tôi thấu hiểu những khó khăn mà lạm phát gây ra cho đời sống của người dân. Chúng tôi cam kết mạnh mẽ đưa lạm phát giảm xuống, và chúng tôi đang hành động nhanh chóng để làm điều đó”, ông Powell phát biểu trước Uỷ ban Ngân hàng thuộc Thượng viện. “Chúng tôi có đủ công cụ cần thiết và quyết tâm cần thiết để lập lại sự ổn định giá cả cho các gia đình và doanh nghiệp Mỹ”.

Theo người đứng đầu ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới, tình hình kinh tế Mỹ hiện nay nhìn chung thuận lợi, với thị trường việc làm đang mạnh và nhu cầu duy trì ở mức cao.

Tuy nhiên, thượng nghị sỹ Elizabeth Warren cảnh báo ông Powell rằng việc nâng lãi suất liên tục có thể đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái mà vẫn không chặn được lạm phát.

“Ông biết rằng điều tồi tệ hơn lạm phát cao và thất nghiệp thấp là lạm phát cao và suy thoái kinh tế khiến hàng triệu người mất công ăn việc làm. Tôi hy vọng ông sẽ cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa nền kinh tế tới bờ vực suy thoái”, bà Warren, một người của Đảng Dân chủ cầm quyền, phát biểu.

Dù bày tỏ tin tưởng rằng nền kinh tế đang mạnh, ông Powell thừa nhận một cuộc suy thoái có thể xảy ra.

Trong quý 1, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Mỹ giảm 1,5%. Theo dự báo của Fed chi nhánh Atlanta, nền kinh tế Mỹ không tăng trưởng trong quý 2. Doanh số bán nhà đang sụt giảm mạnh và có một số dấu hiệu cho thấy thị trường việc làm tăng chậm lại, trong khi tiền lương sau khi trừ lạm phát giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Đó chắc chắn là một khả năng”, ông nói. “Đó không phải một hệ quả nằm trong chủ đích của chúng tôi, nhưng chắc chắn là một khả năng. Thực lòng mà nói những gì xảy ra trên thế giới trong mấy tháng qua khiến chúng tôi gặp nhiều khó khăn hơn để đạt được mục tiêu như mong muốn là lạm phát 2% và một thị trường lao động vẫn mạnh”.

Đưa nền kinh tế “hạ cánh mềm” - khi chính sách tiền tệ thắt chặt không gây ra những tình huống kinh tế cực đoan như suy thoái - sẽ là một việc khó, ông Powell nói thêm.

“Đó là mục tiêu của chúng tôi, và sẽ là một thử thách rất khó khăn. Thách thức đã gia tăng bởi những sự kiện trong mấy tháng qua, như cuộc chiến tranh Ukraine, giá hàng hoá cơ bản leo thang, và những vấn đề trong chuỗi cung ứng”, ông Powell phát biểu. “Liệu chúng tôi có thể đạt được mục tiêu đó hay không sẽ tuỳ thuộc một phần vào những yếu tố mà chúng tôi không kiểm soát được”.

Ông Powell khẳng định lạm phát ở Mỹ đang quá nóng và cần phải được đưa về tầm kiểm soát. Theo dữ liệu mới nhất, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 8,6% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 12/1981.

“Trong những tháng tới đây, chúng tôi sẽ tìm kiếm những bằng chứng thuyết phục cho thấy lạm phát đang đi xuống, phù hợp với mục tiêu lạm phát quay trở lại mức 2%”, ông Powell nói. “Chúng tôi tin rằng việc tăng lãi suất đang diễn ra là phù hợp, tốc độ của những thay đổi đó sẽ tiếp tục tuỳ thuộc vào các dữ liệu sắp tới và diễn biến trong triển vọng của nền kinh tế”.

Ông Powell cũng nói chiến tranh ở Ukraine và phong toả chống Covid ở Trung Quốc có thể khiến áp lực lạm phát ở Mỹ tăng thêm. Ông nói rằng lạm phát hiện nay không phải là một vấn đề của riêng nước Mỹ mà đang ảnh hưởng đến các nền kinh tế trong tuần cầu.

Cuộc điều trần kéo dài 2 ngày của ông Powell là kỳ báo cáo mỗi năm 2 lần của Chủ tịch Fed về chính sách tiền tệ trước Quốc hội Mỹ. Cuộc điều trần lần này diễn ra trong một thời điểm đặc biệt nhạy cảm đối với chính sách của Fed.

Trong 3 cuộc họp chính sách tiền tệ liên tiếp vừa qua, Fed đã nâng lãi suất tổng cộng 1,5 điểm phần trăm. Bước nhảy 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp gần nhất đánh dấu lần tăng lãi suất mạnh nhất của Fed kể từ năm 1994. Ông Powell dự báo rằng lãi suất sẽ tăng lên tới “mức tương đối chặt” trước khi dừng lại.

Tại buổi điều trần, các nghị sỹ Cộng hoà gây sức ép đòi ông Powell phải kiểm soát bằng được lạm phát, đồng thời không quên chất vấn rằng liệu những chính sách của Nhà Trắng như điều tiết ngành năng lượng có khiến cho áp lực giá cả tăng thêm hay không.

“Lạm phát đang ảnh hưởng quá nhiều đến người dân. Chúng ta đang có một đống đổ nát. Ông chính là người có sức mạnh lớn nhất ở Mỹ, thậm chí là trên thế giới”, thượng nghị sỹ Cộng hoà John Kennedy phát biểu.

Từ trước cuộc điều trần này, Chủ tịch Fed đã nhấn mạnh rằng ông nghĩ chính sách tiền tệ sẽ là một công cụ hiệu quả để chống lại lạm phát và nền kinh tế Mỹ hiện có vị thế tốt để thích nghi với lãi suất cao hơn. Tuy nhiên, trong buổi điều trần, ông trả lời nghị sỹ Warren rằng lãi suất tăng sẽ không có nhiều tác dụng trong việc “hạ nhiệt” giá lương thực-thực phẩm và giá xăng dầu đang leo thang mạnh.

Năm nay, nền kinh tế Mỹ đã xuất hiện một số vết rạn, phản ánh thực tế rằng lãi suất tăng lên vào đúng lúc tăng trưởng đã bắt đầu giảm tốc.

Trong quý 1, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Mỹ giảm 1,5%. Theo dự báo của Fed chi nhánh Atlanta, nền kinh tế Mỹ không tăng trưởng trong quý 2. Doanh số bán nhà đang sụt giảm mạnh và có một số dấu hiệu cho thấy thị trường việc làm tăng chậm lại, trong khi tiền lương sau khi trừ lạm phát giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặc những dấu hiệu đáng lo ngại này, ông Powell và các đồng nghiệp của ông tại Fed vẫn chủ trương tiếp tục tăng lãi suất. Trong dự báo đưa ra tại cuộc họp mới đây nhất, lãi suất cơ bản của Fed sẽ tăng lên mức 3,4% vào cuối năm nay, từ khoảng 1,5-1,75% hiện nay.

Chuyên đề