HSMT yêu cầu nhà thầu có 1 hợp đồng tương tự kè bảo vệ bờ sông tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Tiêu chí éo le
Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Ngãi đang mời thầu một gói thầu mua sắm hàng hóa. Về kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự, HSMT yêu cầu 3 hợp đồng cung cấp công cụ hỗ trợ cho lực lượng quân đội (có tính chất tương tự gói thầu đang xét), trong đó ít nhất 1 hợp đồng có giá trị tối thiểu là 3.143.623.000 đồng. HSMT yêu cầu 3 nhân sự gồm: cán bộ phụ trách điều hành, cán bộ chuyên môn kỹ thuật và cán bộ tham gia hỗ trợ đều “bắt buộc phải có chứng chỉ quản lý công cụ hỗ trợ do Bộ Công an cấp”.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, nhiều nhà thầu cho rằng, nhân sự có chứng chỉ quản lý công cụ hỗ trợ do Bộ Công an cấp là phù hợp với tính chất hàng hóa mời thầu. Tuy nhiên, tại sao chỉ những nhà thầu có hợp đồng cung cấp hàng hóa cho lực lượng quân đội mới được đánh giá đáp ứng? Tại sao CĐT lại không chấp nhận các hợp đồng cung cấp hàng hóa cho lực lượng công an, cũng là lực lượng vũ trang?
Câu chuyện tương tự cũng diễn ra tại Gói thầu số 17 Cung cấp, lắp đặt thiết bị doanh cụ, do Bộ CHQS tỉnh Bến Tre làm chủ đầu tư, trị giá 3.298.350.000 đồng và Gói thầu Cung cấp và lắp đặt trang thiết bị, doanh cụ do Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bến Tre làm chủ đầu tư, trị giá 8.623.406.000 đồng. HSMT của 2 gói thầu nêu trên đều yêu cầu các nhân sự như: cán bộ kỹ thuật phụ trách chính; cán bộ phụ trách kỹ thuật phần đồ gỗ phải có kinh nghiệm phụ trách “tương tự như gói thầu đang xét phục vụ cho quân sự hoặc biên phòng (có xác nhận của chủ đầu tư)”.
Tại Gói thầu Thi công xây lắp thuộc Dự án Kè chống sạt lở khu vực chợ Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ do Chi cục Thủy lợi TP. Cần Thơ là chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu có giá trị 150,714 tỷ đồng, một số nhà thầu cho biết, HSMT yêu cầu nhà thầu có 1 hợp đồng tương tự kè bảo vệ bờ sông tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Điều đáng nói, cũng CĐT này đang mời thầu Gói thầu Thi công xây lắp thuộc Dự án Kè chống sạt lở sông Ô Môn (đoạn từ cầu Ô Môn đến vàm Ba Rích), phường Thới Hòa, quận Ô Môn (phìa bờ trái sông Ô Môn, hướng từ cầu Ô Môn trở ra sông Hậu). Gói thầu có giá trị bảo đảm dự thầu lên tới 4,5 tỷ đồng. HSMT Gói thầu cũng yêu cầu nhà thầu có 1 hợp đồng kè bảo vệ bờ sông tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Như vậy, 2 gói thầu của CĐT này chỉ dành cho các nhà thầu từng thi công tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Trực tiếp hạn chế nhà thầu tham dự
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, đại diện các BMT và CĐT nói trên có nhiều lý lẽ để giải thích cho tiêu chí đưa ra.
Tại các gói thầu của Bộ CHQS tỉnh Bến Tre, đại diện BMT cho biết: “Tiêu chí này đưa ra nhằm thuận lợi cho cả nhà thầu lẫn CĐT vì trong quá trình bàn giao, lắp đặt hàng hóa, cần tuân thủ các quy định ra vào cơ quan là doanh trại quân đội”. Chi cục Thủy lợi TP. Cần Thơ cho biết, lý do đưa ra yêu cầu nhà thầu có 1 hợp đồng kè bảo vệ bờ sông tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là do “địa hình, địa chất, tính chất dòng chảy của sông tại khu vực miền Tây khác hoàn toàn với khu vực khác”.
Theo các nhà thầu phản ánh, cách trả lời này là không thỏa đáng và cho thấy một số CĐT đang thiếu tinh thần cầu thị.
Theo quy định của pháp luật về đấu thầu, HSMT không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham dự của các nhà thầu, hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng. “Việc HSMT “địa phương hóa” các hợp đồng tương tự nhà thầu phải cung cấp với tiêu chí đạt/không đạt là rào cản rất lớn, hạn chế cạnh tranh”, một chuyên gia về đấu thầu khẳng định.
“Tiêu chí “vùng miền”, tạo ra nhiều yêu cầu quá khác biệt mà chỉ số ít nhà thầu đáp ứng đều đi ngược với tinh thần của Luật Đấu thầu và Chỉ thị số 47/CT-TTg về chấn chỉnh công tác đấu thầu. Do đó, rất cần các CĐT/BMT nâng cao tinh thần cầu thị, giúp các nhà thầu có thêm niềm tin để dự thầu, tăng sức cạnh tranh cho các gói thầu”, ông Nguyễn Việt Hùng, chuyên gia về đấu thầu chia sẻ.