Điều chỉnh phương án đầu tư cao tốc Vân Đồn - Móng Cái

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Để hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), mới đây, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản xin ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Bộ Tài chính về việc điều chỉnh tên dự án đầu tư, địa điểm xây dựng, phạm vi xây dựng, quy mô đầu tư và phương án tài chính.
Sau khi tách thành 2 dự án độc lập, tổng mức đầu tư dự kiến
của tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đã tăng từ 11.195 tỷ đồng lên 12.699 tỷ đồng.
Ảnh: Lê Tiên
Sau khi tách thành 2 dự án độc lập, tổng mức đầu tư dự kiến của tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đã tăng từ 11.195 tỷ đồng lên 12.699 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên

Dự án trên do UBND tỉnh Quảng Ninh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có tổng mức đầu tư 11.195 tỷ đồng, với tổng chiều dài 80,23 km. Đây là đoạn tuyến còn lại cuối cùng để hoàn thành tuyến cao tốc kết nối các tỉnh hạt nhân trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ gồm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Trong quá trình thực hiện, Dự án đã gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc do điều chỉnh cơ chế về lãi suất vốn vay; quy hoạch thay đổi gây ảnh hưởng trực tiếp tới Dự án; xuất hiện các yếu tố mang lại hiệu quả cao hơn về tài chính, kinh tế - xã hội cho Dự án. Do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, UBND tỉnh Quảng Ninh đã báo cáo, đề xuất và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc cho phép tách Dự án PPP đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái thành 2 dự án độc lập gồm: Dự án Đường cao tốc Tiên Yên - Móng Cái theo phương thức PPP, hợp đồng BOT với chiều dài 63,26 km (đầu tư đoạn từ Km87+080 đến Km150+339), tổng mức đầu tư 9.032 tỷ đồng. Còn đoạn tuyến cao tốc Vân Đồn - Tiên Yên (Km71+00 - Km87+080) có tổng mức đầu tư khoảng 3.667 tỷ đồng sẽ dùng ngân sách nhà nước để đầu tư. Như vậy, sau khi tách thành 2 dự án độc lập, tổng mức đầu tư dự kiến của tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đã tăng lên 12.699 tỷ đồng (tăng 1.504 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được duyệt ban đầu).

Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, sau khi điều chỉnh, tên Dự án Đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái theo phương thức PPP, hợp đồng BOT sẽ thành Dự án Đường cao tốc Tiên Yên - Móng Cái theo phương thức PPP, hợp đồng BOT. Dự án sẽ đi qua các huyện: Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà và thành phố Móng Cái thuộc tỉnh Quảng Ninh (không đi qua huyện Vân Đồn như quy hoạch địa điểm xây dựng ban đầu). Điểm đầu tuyến cao tốc Tiên Yên - Móng Cái là Km87+080 thuộc xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên và điểm cuối tuyến là Km150+339 (giao với Đường tỉnh 335, trùng với điểm cuối Dự án Cầu Bắc Luân II, thành phố Móng Cái).

Liên danh Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hạ tầng Long Vân - Công ty CP Mặt Trời Vân Đồn - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Công Thành là nhà đầu tư trúng thầu Dự án Đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái theo phương thức PPP, hợp đồng BOT tiếp tục là nhà đầu tư Dự án Đường cao tốc Tiên Yên - Móng Cái theo phương thức PPP. Đây cũng là nhà đầu tư duy nhất trúng sơ tuyển tại Dự án Đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái và đã ký hợp đồng BOT thực hiện Dự án với UBND tỉnh Quảng Ninh vào tháng 9/2018.

Theo đề xuất của UBND tỉnh Quảng Ninh, quy mô đầu tư của tuyến cao tốc Tiên Yên - Móng Cái sẽ được điều chỉnh từ đường cao tốc 4 làn xe với tốc độ thiết kế 100 km/h thành đường cao tốc 4 làn xe với tốc độ thiết kế 120 km/h. UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đề xuất điều chỉnh thiết kế một số hạng mục: trắc dọc tuyến, nút giao, nền đường đào, mặt đường, xử lý nền đất yếu, hệ thống thoát nước, công trình gia cố phòng hộ mái ta luy, hầm chui dân sinh, điện chiếu sáng, tổ chức thi công, một số công trình cầu trên tuyến… cho phù hợp với tốc độ thiết kế 120 km/h.

Trên cơ sở tính toán của UBND tỉnh Quảng Ninh, tổng mức đầu tư điều chỉnh của Dự án Đường cao tốc Tiên Yên - Móng Cái là 8.929 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình phụ trợ là 519 tỷ đồng từ nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Phần vốn BOT của Dự án là 8.410 tỷ đồng, bao gồm vốn chủ sở hữu (tối thiểu 991 tỷ đồng, tương đương 11,78% tổng vốn đầu tư) và vốn huy động của nhà đầu tư (tối đa là 7.419 tỷ đồng, tương đương 88,22%). Thời gian hoàn thành công trình Dự án trong năm 2022, thời gian kinh doanh hoàn vốn 18,4 năm. Tổng diện tích đất sử dụng cho Dự án là 483,1 ha và được giao cho các địa phương nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Dự án triển khai giải phóng mặt bằng.

UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, qua các chỉ tiêu đánh giá, Dự án mang lại hiệu quả kinh tế và nhiều lợi ích khác như giảm thiểu nguy cơ tai nạn giao thông, hạn chế tác động môi trường thông qua giảm lượng khí thải và tiếng ồn, trực tiếp tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Chuyên đề