Điện lực miền Bắc: Dấu ấn điện nông thôn và tăng trưởng thương phẩm

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau 52 năm hình thành và phát triển, Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đã tạo nên dấu ấn rõ nét với nhiều thành tựu đáng ghi nhận như dẫn đầu toàn ngành về công tác điện nông thôn và tăng trưởng sản lượng điện thương phẩm với doanh thu cao nhất trong Tập đoàn Điện lực miền Bắc.
Tính đến năm 2021, Tổng công ty Điện lực miền Bắc đã phát triển lưới điện đến 100% số xã trên địa bàn
Tính đến năm 2021, Tổng công ty Điện lực miền Bắc đã phát triển lưới điện đến 100% số xã trên địa bàn

Thử thách trong khói bom, lửa đạn

Những ngày đầu thành lập, Công ty Điện lực, tiền thân của EVNNPC, phải đối mặt rất nhiều khó khăn, thử thách, từ công nghệ kĩ thuật lạc hậu, cơ sở vật chất nghèo nàn đến những hậu quả để lại của chiến tranh khi nhiều nhà máy, công trình bị phá huỷ. Khó khăn không làm chùn bước mà còn là động lực để cán bộ, công nhân ngành điện dốc lòng, dốc sức cùng với toàn dân khôi phục sản xuất, khôi phục nền kinh tế. Kết quả cho sự nỗ lực đó là Công ty đã phục hồi toàn bộ hệ thống lưới điện, cung cấp điện ổn định cho sản xuất và phục vụ sinh hoạt, đời sống cho nhân dân miền Bắc.

Đến năm 1965, tổng công suất tại các nhà máy điện miền Bắc đã đạt 161 MW, gấp 2,5 lần so với năm 1955, nhưng sau cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất (1964 - 1968), công suất chỉ còn 68 MW. Tiếp tục vượt qua khó khăn, với sự đoàn kết và quyết tâm khôi phục sản xuất của toàn thể cán bộ nhân viên Công ty, đến cuối năm 1973, công suất đã khôi phục lên 231 MW. Cùng với đó, việc đưa vào vận hành nhiều nhà máy điện lớn như Thuỷ điện Hoà Bình đã khiến cho sản lượng điện toàn miền Bắc tăng vọt, đồng thời còn cung ứng điện thêm cho miền Trung, giải quyết một phần tình trạng thiếu điện nơi đây.

Lá cờ đầu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam

Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách trong quá trình xây dựng, sản xuất, nhưng cán bộ, công nhân viên EVNNPC luôn cố gắng hoàn thành tốt các nhiệm vụ, mục tiêu được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giao phó.

Một trong những thành tích đáng ghi nhận của EVNNPC là dẫn đầu toàn ngành về công tác điện nông thôn. Tính đến năm 2021, Tổng công ty đã phát triển lưới điện đến 100% số xã. Số hộ dân nông thôn được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 98,79%. EVNNPC cũng đã cấp điện cho 3/3 huyện đảo trên địa bàn gồm: Vân Đồn, Cô Tô (Quảng Ninh), Cát Hải (Hải Phòng) và tiếp nhận để bán điện trực tiếp đến khách hàng trên huyện đảo Bạch Long Vỹ (Hải Phòng)…

Thời gian qua, EVNNPC luôn là đơn vị có tốc độ tăng sản lượng điện thương phẩm và doanh thu cao nhất trong EVN với mức tăng trưởng điện thương phẩm các năm gần đây từ 12% đến hơn 14%.

Năm 2020, dù chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19, nhưng mức tăng trưởng điện thương phẩm của EVNNPC vẫn đạt cao nhất trong khối các tổng công ty phân phối, với sản lượng thương phẩm đạt 74,86 tỷ kWh, tăng 6,76% so với năm 2019. Đặc biệt, tỷ trọng sản lượng điện dành cho công nghiệp chiếm 66%, góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP của đất nước.

Công tác kinh doanh, dịch vụ khách hàng tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, tất cả 14 chỉ tiêu dịch vụ khách hàng trong giai đoạn 2016 - 2020 đều đạt so với quy định. Trong giai đoạn này, EVNNPC đã nỗ lực đầu tư đưa điện về nông thôn, miền núi và hải đảo theo Chương trình mục tiêu quốc gia Cấp điện cho nông thôn, miền núi, hải đảo... Cụ thể, có 244/245 huyện có điện, đạt 99,6%.

Đồng thời, EVNNPC đã thành công trong rút gọn thủ tục cấp điện cho khách hàng đấu nối lưới trung áp từ 5 bước và thời gian giải quyết 36,89 ngày trong năm 2014 xuống còn 2 bước và hơn 4 ngày vào năm 2021. Trong tháng 8/2021, Tổng công ty có 288.581 yêu cầu được tiếp nhận và giải quyết theo phương thức điện tử, đạt tỷ lệ 96,94%, trong đó có 193.947 yêu cầu về dịch vụ điện của khách hàng đăng ký qua Cổng dịch vụ công quốc gia. Điều này đã góp phần giúp EVN được Tổ chức Hướng tới minh bạch đánh giá là một trong những doanh nghiệp nhà nước hàng đầu về minh bạch thông tin. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chỉ số Tiếp cận điện năng năm 2019 của Việt Nam tiếp tục đà tăng điểm, đứng ở vị trí 27 trên tổng số 190 quốc gia/nền kinh tế. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam hiện đứng thứ 4, riêng về số thủ tục và thời gian thực hiện đứng thứ 2 trong khu vực.

Ngoài ra, Tổng công ty còn liên tục cải thiện chất lượng chăm sóc khách hàng, cắt giảm thủ tục, qua đó đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao của khách hàng với phương châm "dễ tiếp cận - dễ tham gia - dễ giám sát".

Từ tháng 7/2019 đến nay, cùng với sự đổi mới trong quản trị doanh nghiệp, tổ chức cơ cấu bộ máy điều hành, EVNNPC chính thức hoạt động với mô hình quản lý đầy đủ Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc, Kiểm soát viên, theo quy định của Luật Doanh nghiệp, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Với mô hình tổ chức mới, EVNNPC có thể đáp ứng yêu cầu tách bạch rõ ràng chức năng quản lý của Chủ tịch Hội đồng thành viên và chức năng điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh hàng ngày của Tổng Giám đốc, giúp cho các quyết định trong quản lý và điều hành được thực hiện hiệu quả, kịp thời, không bị chậm trễ.

Thời gian tới, việc phát huy hơn nữa sức mạnh trí tuệ tập thể, truyền thống lao động cần cù, chịu khó chính là chìa khoá, là động lực để vượt qua những khó khăn, thách thức trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần xứng đáng vào sự phát triển của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đồng thời làm giàu thêm các giá trị truyền thống tốt đẹp đã được các thế hệ của đơn vị dày công gìn giữ và vun đắp.

Bà Đỗ Nguyệt Ánh

Chủ tịch Hội đồng thành viên EVNNPC

Kiên cường trong chiến tranh, quyết liệt và sáng tạo trong đổi mới, vững vàng trong hội nhập là những phẩm chất đã góp phần tạo nên những thành tựu đáng ghi nhận của EVNNPC, một tổng công ty phân phối đã và đang gánh vác sứ mệnh lịch sử được Đảng và nhân dân tin cậy giao phó. Ở tuổi 52, với dàn lãnh đạo tinh nhuệ, đầy năng lực, trách nhiệm, cùng với tập thể 2,7 vạn cán bộ công nhân viên, người lao động luôn tràn ngập ý chí phấn đấu, đoàn kết, đồng lòng, EVNNPC quyết tâm thực hiện sứ mệnh truyền thống của ngành điện lực miền Bắc, viết tiếp trang sử vẻ vang trong hành trình mang ánh sáng điện và dịch vụ xuất sắc đến muôn nơi.

Điện lực miền Bắc công bố Chủ tịch HĐTV và Thành viên HĐTV kiêm Tổng Giám đốc

Chiều ngày 6/10/2021 tại Hà Nội, EVNNPC đã tổ chức Lễ công bố các quyết định bổ nhiệm Chủ tịch HĐTV và Thành viên HĐTV kiêm Tổng giám đốc và bàn giao chức năng nhiệm vụ Tổng giám đốc EVNNPC. Lễ công bố diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 52 năm ngày thành lập EVNNPC (6/10/1969 - 6/10/2021).

Căn cứ Quyết định số 69/QĐ-EVN ngày 5/7/2021 của HĐTV EVN, bà Đỗ Nguyệt Ánh đảm nhiệm chức danh Chủ tịch HĐTV EVNNPC từ ngày 1/8/2021. Căn cứ Quyết định số 126/QĐ-EVN của HĐTV EVN, ông Nguyễn Đức Thiện - Phó Tổng giám đốc được bổ nhiệm chức danh Thành viên HĐTV kiêm Tổng giám đốc EVNNPC từ ngày 1/10/2021.

Bà Đỗ Nguyệt Ánh sinh ngày 11/8/1972, có hơn 25 năm kinh nghiệm công tác tại Công ty Điện lực 1 (PC1), nay là Tổng công ty Điện lực miền Bắc. Bà Ánh đã trải qua nhiều vị trí công tác và mỗi vị trí đều là cơ hội để trải nghiệm thử thách, trau dồi kiến thức, đúc rút kinh nghiệm. Cách đây 2 năm (tháng 7/2019), bà Ánh được bổ nhiệm trở thành nữ Tổng giám đốc đầu tiên của ngành điện và nay tiếp tục ở vị trí lãnh đạo cao hơn - Chủ tịch HĐTV.

Ông Nguyễn Đức Thiện sinh ngày 31/12/1970, có trình độ thạc sĩ kỹ thuật điện; thạc sĩ quản trị kinh doanh; kỹ sư hệ thống điện; kỹ sư kinh tế; trình độ lý luận chính trị cao cấp. Trước khi được bổ nhiệm vị trí Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Đức Thiện (từ 25/7/2019 đến 30/9/2021) có hơn 29 năm công tác tại cơ sở, từ Sở Điện lực Hải Hưng đến Công ty Điện lực Hưng Yên. Ở bất cứ vị trí công tác nào trong hơn 30 năm qua, ông Thiện đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và thể hiện trình độ quản lý, bản lĩnh chính trị vững vàng, khả năng lãnh đạo tài ba, đủ tâm, đủ tầm để dẫn dắt đơn vị thành một trong những công ty thành viên đứng trong top đầu của EVNNPC.

Chuyên đề