Tàu Elefsis (Hy Lạp) đang trong quá trình sửa chữa tại Nhà máy DQS |
Dư luận luôn “điểm danh” DQS là một trong “12 đại dự án thua lỗ”, nhưng sự thua lỗ ấy phần nhiều vì lịch sử để lại từ thời Vinashin và những khó khăn về cơ chế. Vượt qua nhiều khó khăn, những năm qua, lãnh đạo DQS đã có sự tính toán, chuẩn bị điều kiện cần và đủ để vươn ra thị trường nước ngoài.
Trên thị trường quốc tế, các shipyard của Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh lớn nhất vì tiềm lực tài chính, hạ tầng hoàn thiện, có cơ chế thông thoáng, được tạo điều kiện thuận lợi hơn DQS rất nhiều. Chính vì sự cạnh tranh quyết liệt đó nên từ 2017 đến 2019, DQS chỉ nhận được 3 sản phẩm của nước ngoài. Khi xảy ra dịch Covid-19, các chủ tàu nước ngoài bắt đầu tìm kiếm các nhà máy, công ty có đủ khả năng sửa chữa tàu cỡ lớn ở ngoài Trung Quốc và DQS đã tận dụng rất tốt cơ hội đó. Từ tháng 1/2020, DQS nhận liên tiếp 6 tàu nước ngoài, gấp 2 lần so với cả 2 năm trước cộng lại. Đây không chỉ đơn thuần là việc tận dụng cơ hội, mà đó là thành quả của sự chuẩn bị lâu dài về marketing, công nghệ, cơ sở vật chất và năng lực đã được chứng minh của DQS với các chủ tàu nước ngoài.
Song song với việc từng bước phát triển thị trường nước ngoài, DQS vẫn rất chú trọng phát triển thị trường trong nước. Năm 2019, DQS đã thực hiện 20 đơn hàng ngoài ngành. Có thể kể đến các đơn hàng gia công lắp dựng đường ống mạng ngoài, bảo dưỡng cẩu, lắp đặt kết cấu nhiều thiết bị cho Thép Hòa Phát; sửa chữa tàu Petrolimex 15; sửa chữa sà lan Phú Xuân 18… Điều này chứng tỏ DQS đã tạo được niềm tin với khách hàng cả trong và ngoài ngành.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo DQS, để tiếp tục phát triển, Công ty còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Đó là những khó khăn cũ về cơ chế tài chính, những khoản nợ mà Vinashin để lại làm cho hồ sơ đấu thầu của DQS bị loại ở “vòng gửi xe”. Đây là điều cực kỳ bất lợi trong cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thị trường quốc tế. Không chỉ vậy, khi kiếm tìm được những đơn hàng từ nước ngoài, thì DQS lại gặp khó với các cơ chế, các thủ tục hành chính trong lĩnh vực sửa chữa tàu nước ngoài tại Việt Nam. Có thể ví dụ như cơ chế về việc tạm nhập, tái xuất tàu khi vào sửa chữa.
Theo quy định, tàu biển nước ngoài vào Việt Nam phải làm thủ tục tạm nhập, tái xuất. Để có được các hợp đồng nước ngoài, DQS phải hoàn thành việc sửa chữa tối đa trong 15 ngày. Trong khi việc hoàn thành các giấy tờ, thủ tục tạm nhập, tái xuất đã mất 5 - 7 ngày. Những vấn đề đó vô hình trung làm giảm năng lực cạnh tranh của DQS.
Tích cực tìm kiếm những đơn hàng, phát triển thị trường nhưng tập thể lãnh đạo DQS cũng luôn quan tâm đến đời sống các cán bộ, kỹ sư, công nhân viên trong Công ty. Năm 2018, tiền lương trung bình tháng của công nhân lao động trực tiếp là 6,6 triệu đồng, năm 2019 tăng lên 8,32 triệu đồng. Đến 4 tháng đầu năm 2020 tăng lên 9,53 triệu đồng/tháng.
Những nỗ lực, cố gắng đưa Công ty vượt qua khó khăn luôn được cán bộ, công nhân viên ghi nhận và cảm kích. Anh Phạm Ngọc Huệ, Tổ trưởng Tổ lắp ráp, Xưởng kết cấu thuộc DQS, cho biết: “Công ty luôn chăm lo cho đời sống của anh em, các chế độ bồi dưỡng độc hại luôn đầy đủ. Ban Tổng giám đốc luôn tích cực tìm kiếm các đơn hàng để tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Mức thu nhập tại DQS đảm bảo cho anh em và gia đình một cuộc sống ổn định”.