Năm 2020 - 2021, có 21 gói thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm... tại Sở Y tế tỉnh Hậu Giang chưa đăng tải thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu theo quy định. Ảnh minh họa: Nhã Chi |
Thanh tra tỉnh Gia Lai vừa công bố Kết luận thanh tra số 08 về việc “Đầu tư các dự án, mua sắm các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tại Sở Giáo dục và Đào tạo, giai đoạn từ năm 2015 - 2021”. Theo kết luận, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai được UBND tỉnh Gia Lai giao làm chủ đầu tư 13 dự án, phần mềm và gia hạn 2 phần mềm với tổng kinh phí thanh toán 33 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua thanh tra phát hiện nhiều dự án phần mềm có vi phạm, không công khai kết quả lựa chọn nhà thầu; nhiều dự án hiệu quả sử dụng không cao, gây thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước hơn 2,3 tỷ đồng.
Tại An Giang, khi thông báo kết luận thanh tra về việc chấp hành pháp luật về đầu tư xây dựng trên địa bàn huyện Phú Tân, Thanh tra tỉnh An Giang đã nêu ra những hạn chế, thiếu sót trong việc chấp hành pháp luật về đầu tư xây dựng như: chưa thực hiện giám sát công tác khảo sát tại hiện trường; chưa phê duyệt trực tiếp vào báo cáo kết quả khảo sát xây dựng sau khi thông báo chấp thuận nghiệm thu tại 8 trong số 14 công trình được thanh tra. Không đăng tải kết quả lựa chọn nhà thầu (6 gói thầu); không đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thông báo mời thầu và kết quả lựa chọn nhà thầu (3 gói thầu) trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, Báo Đấu thầu.
Tại Bình Phước, Thanh tra tỉnh này vừa ban hành Thông báo số 45/TB-T.Tr kết luận về thanh tra toàn diện các gói thầu liên quan đến Đề án 1436 và Chương trình 775 thuộc phạm vi quản lý của Tỉnh. Theo đó, đối tượng thanh tra gồm: Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Xây dựng, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan.
Nội dung thanh tra toàn diện các gói thầu liên quan đến việc thực hiện Quyết định số 1436/QĐ-TTg ngày 29/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 - 2025 (Đề án 1436); thanh tra toàn diện các gói thầu liên quan đến việc thực hiện Quyết định số 775/QĐ-TTg ngày 26/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn giai đoạn 2016 - 2020 (Chương trình 775). Cơ quan thanh tra của tỉnh Bình Phước kết luận: “Một số dự án chủ đầu tư không thực hiện việc đăng tải kết quả lựa chọn nhà thầu và kế hoạch lựa chọn nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia là vi phạm Điều 8 Luật Đấu thầu”.
Mới đây nhất, Thanh tra tỉnh Hậu Giang công bố kết luận của Đoàn Thanh tra chuyên đề về mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm kit xét nghiệm, vắc-xin, thuốc phòng chống dịch Covid-19 đối với Sở Y tế và các đơn vị, tổ chức có liên quan. Theo kết luận, năm 2020 - 2021, Sở Y tế tỉnh Hậu Giang đã thực hiện 47 gói thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vắc-xin với tổng kinh phí hơn 149 tỷ đồng. Trong đó, năm 2020 thực hiện 7 gói thầu, năm 2021 thực hiện 40 gói thầu.
“Trong 47 gói thầu tại Sở Y tế, Đoàn Thanh tra nhận thấy có 26 gói thầu còn một số hạn chế, thiếu sót. Trong đó, 21 gói thầu chưa đăng tải thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu theo quy định”, kết luận thanh tra cho biết.
Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh đã yêu cầu giám đốc Sở Y tế và các đơn vị trực thuộc khẩn trương khắc phục việc đăng tải thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu đúng theo quy định.
Theo chuyên gia đấu thầu Nguyễn Việt Hùng, thông tin kết quả đấu thầu là nội dung quan trọng và đã bắt buộc phải công bố theo luật định. Liên quan đến thông tin kết quả lựa chọn nhà thầu, quy định pháp lý bắt buộc công khai nhiều nội dung đính kèm, như: báo cáo đánh giá tổng hợp; báo cáo chi tiết; thông báo kết quả đến các nhà thầu dự thầu… “Quy định đã rất chặt chẽ, chi tiết để đảm bảo quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu thực sự công khai, tuân thủ quy định, hiệu quả. Đối với các chủ đầu tư không công khai những thông tin trên, cần phải có chế tài mạnh hơn để nhắc nhở, tăng tính răn đe, tránh tình trạng tạo nên những “khoảng trống dữ liệu đấu thầu”, “góc khuất thông tin”, gây khó khăn cho khâu giám sát hoạt động đấu thầu”, chuyên gia này nhận định.