Điểm mặt các “ngôi sao” tăng trưởng năm 2021

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, mặt hàng thép chính thức bước chân vào câu lạc bộ các mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Diễn biến tích cực từ xuất khẩu thép phần nào phản ánh kết quả kinh doanh lạc quan của các doanh nghiệp trong ngành bất chấp ảnh hưởng từ Covid-19. Bên cạnh thép, vận tải biển, hóa chất là những ngành có kết quả kinh doanh tăng trưởng cao trong năm 2021.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất thép báo lãi kỷ lục. Ảnh: Hoài Tâm
Nhiều doanh nghiệp sản xuất thép báo lãi kỷ lục. Ảnh: Hoài Tâm

Sau 11 tháng năm 2021, xuất khẩu sắt thép cán mốc 10,8 tỷ USD với mức tăng trưởng gần 130% so với cùng kỳ năm 2020. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), nhu cầu thị trường tăng mạnh giúp xuất khẩu sắt thép gặp nhiều thuận lợi. Các nhà sản xuất lớn trong nước như Hoà Phát, Tôn Hoa Sen hay Nam Kim đều đạt giá trị xuất khẩu ấn tượng.

Doanh nghiệp ngành thép được hưởng lợi nhờ nhu cầu sắt thép tăng ở châu Á, châu Mỹ và châu Âu khi các khu vực này đầu tư vào kết cấu hạ tầng. Sau 9 tháng năm 2021, nhiều doanh nghiệp trong ngành báo lãi kỷ lục, cao hơn nhiều so với kết quả kinh doanh của các năm trước. Đơn cử như Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát, lợi nhuận trước thuế lên đến 29.000 tỷ đồng, tăng 88% so với con số thực hiện cả năm 2020. Đây là con số lợi nhuận kỷ lục của Hòa Phát từ trước đến nay. Công ty CP Thép Nam Kim cũng báo lãi trước thuế hơn 2.000 tỷ đồng trong 9 tháng năm 2021, gấp hơn 6,2 lần so với con số thực hiện năm 2020 (320 tỷ đồng).

Một ngành khác tăng trưởng mạnh mẽ về doanh thu và lợi nhuận trong bối cảnh dịch bệnh, sau nhiều năm bết bát là vận tải biển. Công ty CP Vận tải biển Việt Nam (VOSCO), Công ty CP Vận tải biển Vinaship là đại diện tiêu biểu cho những doanh nghiệp vận tải biển nhiều năm thua lỗ, phải nhờ đến các khoản thu nhập khác để có lãi, đã gặp thời đảo ngược tình thế trong năm 2021. Đối với VOSCO, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh 9 tháng đầu năm 2021 đạt 256,7 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái lỗ gần 203 tỷ đồng), lợi nhuận trước thuế đạt 407 tỷ đồng. Tương tự, với Vinaship, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh 9 tháng 2021 đạt 114,4 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế ở mức 138 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần tổng lợi nhuận của cả 3 năm trước đó.

Sự bùng nổ lợi nhuận là kết quả của nhu cầu vận chuyển hàng hóa tăng vọt trong khi chuỗi cung ứng toàn cầu sụp đổ dưới sức nặng của đại dịch Covid-19 khiến giá cước vận chuyển tăng cao hơn bao giờ hết. Chỉ số BDI (viết tắt của Baltic Dry Index, tạm dịch là “chỉ số thuê tàu hàng khô Baltic”) do Sở Giao dịch Baltic (Anh) công bố hàng ngày để đánh giá mức phí thuê tàu chở nguyên liệu thô, tăng liên tục từ đầu năm nay và đạt mức đỉnh 5.647 điểm vào ngày 7/10/2021 - mức cao nhất kể từ năm 2011. Chỉ số này hiện đã giảm mạnh nhưng vẫn cao hơn mặt bằng nhiều năm trước đó. Ngoài hưởng lợi từ giá cước vận tải tăng cao, doanh nghiệp ngành vận tải biển còn được lợi từ tăng trưởng xuất khẩu. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, 11 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 299,67 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước.

Hóa chất cũng là một trong số ít ngành có kết quả kinh doanh “vụt sáng” trong năm 2021. Đơn cử như các doanh nghiệp phân bón báo lãi lớn nhờ giá bán tăng cao (tăng 20% trong tháng 8) do chuỗi cung ứng bị gián đoạn và không bị ảnh hưởng nhiều bởi gia tăng chi phí đầu vào (than và khí đốt) do có thể chuyển phần lớn chi phí tăng sang người mua. Những doanh nghiệp như Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí, Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao… đều ghi nhận kết quả kinh doanh 9 tháng 2021 cao hơn nhiều so với con số thực hiện cả năm ngoái. Công ty CP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang - doanh nghiệp kinh doanh nhiều mặt hàng hóa chất - ghi nhận con số kỷ lục 1.113 tỷ đồng lãi trước thuế 9 tháng đầu năm, tăng 58% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là lần đầu tiên lợi nhuận của doanh nghiệp này vượt mốc 1.000 tỷ đồng.

Còn gần 1 tháng nữa mới kết thúc năm 2021, các doanh nghiệp thép, vận tải biển và hóa chất được kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ so với năm ngoái nhờ kết quả tích cực sau 9 tháng đầu năm. Bên cạnh các ngành này, ngành hàng không, dịch vụ, du lịch, xây dựng… chịu ảnh hưởng lớn từ dịch Covid-19 và khó có thể hồi phục sớm.

Chuyên đề