Đi tìm “chìa khóa” thúc đẩy ngành logistics vươn xa

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Quá trình tham gia và thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và các đối tác, trong đó có Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), đang bộc lộ những thách thức mà ngành logistics Việt Nam phải đối mặt bên cạnh những cơ hội. Việc tìm kiếm giải pháp thúc đẩy ngành logistics tận dụng cơ hội từ EVFTA, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) ngành này nói riêng và DN Việt Nam nói chung tăng sức cạnh tranh là câu chuyện rất nóng hiện nay.
Việc tìm kiếm giải pháp thúc đẩy ngành logistics tận dụng cơ hội từ EVFTA, nhằm hỗ trợ các DN tăng sức cạnh tranh là câu chuyện rất nóng. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Việc tìm kiếm giải pháp thúc đẩy ngành logistics tận dụng cơ hội từ EVFTA, nhằm hỗ trợ các DN tăng sức cạnh tranh là câu chuyện rất nóng. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Đối mặt với thách thức cạnh tranh

Theo ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên thuộc Bộ Công Thương, EVFTA có hiệu lực từ tháng 8/2020, trong đó dịch vụ logistics có những cam kết đáng chú ý, theo hướng mở cửa cao hơn so với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cũng như các FTA khác.

Ông Khanh cho biết, cam kết về các dịch vụ liên quan đến logistics tại EVFTA có mức độ mở cửa thị trường cao hơn ở 3 nhóm chính: nhóm dịch vụ logistics chủ yếu (xếp dỡ, lưu kho…); dịch vụ liên quan logistics (vận tải biển, vận tải bộ…); dịch vụ liên quan khác (chuyển phát, phân tích,…).

“Ở nhóm dịch vụ logistics chủ yếu, EVFTA mở thêm dịch vụ xếp dỡ hàng hải với việc cho phép liên doanh không quá 51%. Trong khi đó, WTO và CPTPP chưa cam kết mở cửa đối với dịch vụ này”, ông Khanh dẫn chứng.

Với dịch vụ vận tải biển thuộc nhóm các dịch vụ liên quan logistics, trong cam kết, Việt Nam cũng mở cửa đối với dịch vụ vận tải biển nội địa bằng việc cho phép các hãng tàu của EU vận chuyển container rỗng giữa 2 cảng Cần Thơ và Cái Mép, đồng thời cho phép gom hàng giữa hai cảng này…

Từ các cam kết mở đó, ông Khanh nhấn mạnh, DN logistics trong nước sẽ đối mặt với nhiều thách thức lớn, bao gồm: áp lực cạnh tranh với các DN logistics của EU; một số dịch vụ mất đi cơ hội; cạnh tranh nguồn nhân lực chất lượng cao.

Nhìn trong quan hệ thúc đẩy thương mại Việt Nam - EU, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương cho rằng, thách thức cạnh tranh với các DN logistics trong nước là rất lớn. Lý do là, các DN logistics của EU có lợi thế với quy mô lớn, kinh nghiệm hoạt động lâu năm; trong khi đó, các DN logistics của Việt Nam lại chủ yếu là các DN quy mô vừa và nhỏ, năng lực còn hạn chế. Hơn nữa, lâu nay, mối liên kết giữa DN logistics Việt Nam với DN lĩnh vực này của EU vẫn đang ở giai đoạn thiết lập chặt chẽ hơn…

Chuẩn bị hành trang ra sao?

Dù thách thức với DN logistics thời gian tới là rất lớn, song lãnh đạo Vụ Chính sách thương mại đa biên cho rằng, DN logistics nước ta cũng có không ít cơ hội.

Theo ông Khanh, khi trao đổi thương mại Việt Nam - EU gia tăng thì khách hàng cho DN logistics Việt Nam cũng nhiều hơn. DN logistics Việt Nam cũng có cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi dịch vụ của các DN logistics EU với việc trở thành các nhà thầu phụ...

Vậy làm thế nào để thúc đẩy DN logistics Việt tận dụng được các cơ hội đó?

Trả lời câu hỏi này, lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu cho hay, nhận thấy vai trò quan trọng của ngành dịch vụ logistics, thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành cũng như các địa phương đã quan tâm hỗ trợ dịch vụ này phát triển. Đến nay, hạ tầng, nhất là hạ tầng vận tải, đã có sự chuyển biến tích cực với nhiều tuyến đường, cảng biển, sân bay mới... Môi trường kinh doanh hỗ trợ dịch vụ logistics cũng đang được các cơ quan quản lý tích cực cải thiện, nhằm hỗ trợ DN logistics nâng cao năng lực vươn ra thị trường quốc tế.

Theo ông Hải, logistics là lĩnh vực có tiềm năng lớn trong việc ứng dụng công nghệ. Đây là một trong những “chìa khóa” giúp cho DN trong nước nâng cao hiệu quả, tăng sức cạnh tranh. “Trong bối cảnh áp lực cạnh tranh như vậy, DN nào dựa vào công nghệ, ứng dụng tốt công nghệ thì DN đó có khả năng vươn xa rất lớn”, ông Hải gợi ý.

Để đón đầu cơ hội thị trường sau đại dịch Covid-19, ông Mai Trần Thuật, Giám đốc phụ trách Supply Chain Solutions, Bee Logistics Group cho hay, mục tiêu của DN là trở thành đối tác của các DN lớn thuộc EU hoặc liên kết trong chuỗi cung ứng của họ. Theo đó, DN đã chuẩn bị các nguồn lực, trong đó có nguồn lực tài chính để nâng cao cơ sở vật chất với việc đầu tư kho trạm, xe vận tải… Đồng thời, DN cũng đang chuẩn bị các nguồn lực để sẵn sàng tiếp nhận công nghệ mới phục vụ quá trình vận hành kinh doanh; chủ động tìm kiếm các đối tác tại thị trường EU để vừa học hỏi, tìm kiếm cơ hội thị trường…

Về vấn đề này, một số ý kiến khác cũng gợi ý, để ngành logistics “cất cánh” thì Việt Nam cần tập trung hơn nữa vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho ngành này; DN logistics trong nước cũng cần tăng cường liên kết nhằm cung cấp dịch vụ đầy đủ hơn, từ đó tạo ra thế mạnh liên kết để nâng cao sức cạnh tranh...

Chuyên đề

Kết nối đầu tư