Việc truy thu khoản chênh lệch 3.500 tỷ đồng, do lỗ hổng từ việc áp dụng các mức thuế nhập khẩu xăng, dầu khác nhau đang được Bộ Tài chính nghiên cứu. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet |
Theo chu kỳ 15 ngày, ngày mai (5/4) sẽ là ngày liên Bộ Công thương-Tài chính công bố giá cơ sở để từ đó doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối điều chỉnh giá bán lẻ các mặt hàng này.
Lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối tại miền Bắc cho biết, trong những ngày qua, giá xăng dầu trên thị trường thế giới biến động theo xu hướng đi ngang là chủ yếu, đặc biệt là tại Singapore - thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam, giá nhập khẩu xăng RON 92 tại Singapore gần như không biến động gì nhiều so với chu kỳ điều chỉnh lần trước.
Với diễn biến như vậy, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối lỗ không đáng kể. “Chính vì thế, trong chu kỳ điều chỉnh tới, giá xăng dầu có thể giữ nguyên như hiện nay. Nếu cần điều chỉnh cơ quan quản lý có thể cho xả thêm một ít quỹ bình ổn chứ không tăng giá xăng”, ông này dự báo.
Trong lần điều chỉnh gần đây, vào ngày 21/3, giá bán lẻ xăng RON 92 tăng 670 đồng/lít, xăng E5 tăng 570 đồng/lít, lên lần lượt 14.422 đồng/lít và 13.891 đồng/lít; giá dầu diesel 0.05S tăng293 đồng/lít, lên mức tối đa 9.873 đồng/lít; giá dầu hỏa và dầu mazút vẫn giữ mức lần lượt là 8.905 đồng/lít và 7.225 đồng/kg.
Cùng với tăng giá, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối chi mức sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng, dầu là 1.047 đồng/lít xăng khoáng; 1.115 đồng/lít xăng E5, 983 đồng/lít dầu diesel, 909 đồng/lít dầu hỏa và 231 đồng/kg dầu mazút.
Liên quan đến việc xử lý khoản chênh lệch 3.500 tỷ đồng, do lỗ hổng từ việc áp dụng các mức thuế nhập khẩu xăng, dầu khác nhau, trả lời báo chí, bà Vũ Thị Mai - Thứ trưởng Bộ Tài chính cho hay, khó có thể thu hồi toàn bộ số tiền chênh lệch 3.500 tỷ đồng và Bộ Tài chính đã nhận trách nhiệm về việc này.
Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng cho biết, trên thực tế, tổng thu thuế nhập khẩu xăng dầu của 23 doanh nghiệp xăng dầu, bao gồm cả năm 2015 đến ngày 24/3, là 3.475 tỷ đồng. Trong 23 doanh nghiệp đầu mối, có 11 doanh nghiệp nhà nước, nên nếu có chênh lệch thì tiền vẫn do ngân sách quản lý. Nếu có truy thu thì còn khoảng 254 tỷ đồng của 12 doanh nghiệp tư nhân. Việc truy thu đang được Bộ Tài chính nghiên cứu.