Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Có thể nói, từ khi mở nước hình thành quốc gia dân tộc đến nay, tinh thần tự lực, tự cường đã ăn sâu bám rễ, trở thành phần “máu thịt chảy trong huyết quản” của người dân Việt Nam. Tính cố kết cộng đồng, sức sống kiên cường bền bỉ hướng tới khát vọng độc lập, tự chủ, văn hiến và hùng cường bằng chính nội lực của mình, đã trở thành nguyên tắc bất biến của dân tộc ta.
Muốn đất nước hùng cường thịnh vượng, không có con đường nào khác là tự lực, tự cường kết hợp chặt chẽ với sức mạnh thời đại. Ảnh: Lê Huy
Muốn đất nước hùng cường thịnh vượng, không có con đường nào khác là tự lực, tự cường kết hợp chặt chẽ với sức mạnh thời đại. Ảnh: Lê Huy

Ngay từ thuở bình minh của đất nước, ông cha ta đã không ngừng nuôi dưỡng khát vọng độc lập, tự cường. Khi đất nước lâm vào hoàn cảnh ngặt nghèo nhất cũng là lúc sức sống của tự lực, tự cường dâng lên mạnh mẽ. Đó là sức mạnh “đầu voi phất ngọn cờ đào” của hai Bà Trưng. Chiến thắng vĩ đại trên sông Bạch Đằng năm 938. Sát thát kề vai, ba lần đại thắng quân Nguyên - Mông thời đại nhà Trần, cho đến tuyên ngôn bất hủ của Nguyễn Trãi: “Cõi bờ sông núi đã riêng,/Phong tục Bắc - Nam cũng khác./Trải Triệu, Đinh, Lý, Trần nối đời dựng nước,/Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên đều chủ một phương./Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau,/Song hào kiệt không bao giờ thiếu”... Cha ông ta là thế, độc lập, tự chủ luôn gắn liền với tự lực, tự cường. Đó chính là ý chí, đồng thời cũng là khát vọng cốt lõi để giữ cho “Non sông ngàn thuở vững âu vàng”.

Từ sau Cách mạng tháng 8/1945, ý chí độc lập, tự chủ tiếp tục được Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh soi sáng. Đó là tinh thần dựa vào sức mình, không khuất phục, tự trọng, tự tôn vươn lên khẳng định phẩm giá nội tại. Hồ Chí Minh từng nói: Công cuộc giải phóng chỉ có thể thực hiện được bằng sự nỗ lực của bản thân. Người kêu gọi “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Hơn ai hết, Hồ Chí Minh và các đồng chí của mình hiểu rất rõ một dân tộc không tự lực cánh sinh mà ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì có giành được độc lập cũng không vinh quang. Vì thế Người khẳng định: “Chúng tôi điều khiển lấy mọi công việc của chúng tôi, không có sự can thiệp của nước ngoài”. Trong quá trình lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chính quyền cụ Hồ đặc biệt coi trọng nội lực, tự lực cánh sinh. Một dân tộc không có thực lực thì không thể chiến thắng, không thể có bình đẳng và được tôn trọng “cuối cùng cũng chỉ là công cụ trong tay kẻ khác”. Xuất phát từ quan điểm nhất quán nêu trên, nhân dân ta triệu người như một “ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm” đứng dậy tham gia cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh. Cả dân tộc “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”. Tự mình làm cuộc cách mạng long trời lở đất, đi đến chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ 1954, làm rung chuyển trái tim của hàng triệu người dân bị áp bức trên toàn thế giới.

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, tinh thần tự lực, tự cường được Đảng và Chính phủ phát động lan rộng tới mọi miền đất nước. Từ đồng bằng đến miền núi, từ thôn xóm, bản làng đến thành thị, Trung ương, từ người dân bình thường đến các lực lượng vũ trang, hội phụ nữ, đoàn thể thanh, thiếu niên… Ở hoàn cảnh nào cũng nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh, lấy tự lực, tự cường làm gốc. Vì thế, vào những thời khắc cam go nhất của lịch sử, dân tộc ta vẫn chủ động, không lệ thuộc, bị động. Trong hoàn cảnh một nửa đất nước còn chiến tranh, miền Bắc còn nghèo nàn lạc hậu, tinh thần tự lực, tự cường càng phát huy cao độ. Mỗi người, mỗi đơn vị chủ động công việc, đề ra kế hoạch, tự khắc phục khó khăn lo cho bản thân, gia đình và đất nước. Sức mạnh của dân tộc dựa vào sức mạnh của mỗi người dân. Chỉ có như vậy mới tạo nên sức mạnh “dời non lấp biển”. Chính vì biết phát huy tối đa sức mạnh tự lực, tự cường kết hợp chặt chẽ với sự giúp đỡ hiệu quả từ các nước, chúng ta một lần nữa làm nên chiến thắng lịch sử 30/4/1975, đưa non sông về một mối.

Từ sau năm 1986 đến nay, bằng công cuộc đổi mới xây dựng đất nước, từ những cải cách ban đầu về nông nghiệp, đã mở đường cho kinh tế thị trường giải phóng những tiềm lực to lớn của đất nước, mở ra trước mắt chúng ta sự thay đổi thần kỳ trong đời sống kinh tế và xã hội Việt Nam. Chúng ta đã vươn lên trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp, vượt qua thời kỳ khủng khoảng kinh tế - xã hội, đói nghèo và kém phát triển. Thế và lực của ta lớn mạnh chưa từng có. Kết quả này là tổng hòa của các nguyên nhân, trong đó yếu tố quyết định là ý chí tự lực, tự cường. Tinh thần ấy được thể hiện rõ trong nhiều văn kiện của Đảng và Nhà nước. Coi phát huy nội lực, ý chí tự lực, tự cường là động lực thúc đẩy mạnh mẽ phát triển đất nước. Nội lực ngày nay không thuần túy cơm, áo, gạo, tiền mà còn là trí tuệ, chất xám, khát vọng ý chí xây dựng một đất nước hùng cường, thịnh vượng. Vừa phát huy sức mạnh nội tại, vừa kết hợp chặt chẽ với sức mạnh thời đại - sức mạnh của thời kỳ 4.0, của khoa học công nghệ, của cùng hợp tác và phát triển, hướng ra ngoài để tăng cường nội lực bên trong là quy luật, đồng thời cũng là cơ hội để có đủ khả năng tự chủ, có tiếng nói uy tín, độc lập trên trường quốc tế.

Trong quá trình đổi mới, trước những biến động vô cùng phức tạp của thế giới, muốn tự chủ phải có đủ sức và lực cạnh tranh. Muốn cạnh tranh giành lợi thế lại phải có trí tuệ, tri thức để làm chủ khoa học công nghệ, có tư duy độc lập, tự chủ, quyết đoán sáng suốt. Sức mạnh nội tại của dân tộc bắt nguồn từ sức mạnh của từng cá nhân, của nhân tài. Muốn lấy sức ta nuôi ta thì phải bồi dưỡng giáo dục con người, kết hợp với hệ thống giải pháp đồng bộ, có hiệu quả mới có con người thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh.

Trong những ngày kỷ niệm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9 lịch sử này, đất nước đang đối mặt với khó khăn thách thức chưa từng có tiền lệ do dịch bệnh Covid-19 gây ra. Thực tế này đòi hỏi tinh thần tự lực, tự cường hơn bao giờ hết. Một tin vui làm nức lòng nhân dân cả nước đúng vào dịp mừng Quốc khánh 2/9 này, lô vắc xin đầu tiên do chúng ta tự nghiên cứu, sản xuất sẽ ra đời. Đây thực sự là kết quả to lớn của tinh thần tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc. Để có vắc xin tiêm cho nhân dân, chúng ta đã quyết liệt thực hiện đồng bộ giải pháp “kiềng ba chân” gồm mua, nhập khẩu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc xin trong nước. Trong đó sản xuất vắc xin trong nước giữ vai trò rất quan trọng. Có thể nói việc chúng ta tự lực, tự chủ sản xuất vắc xin không những đáp ứng nhu cầu cấp thiết của nhân dân mà còn khẳng định giá trị của con người Việt Nam trên trường quốc tế…

Sức mạnh nội tại quyết định mọi sự thành bại. Trong quá khứ như thế và hôm nay càng khẳng định điều đó mạnh mẽ hơn. Muốn đất nước hùng cường thịnh vượng, không có con đường nào khác là tự lực, tự cường kết hợp chặt chẽ với sức mạnh thời đại. Phải có ý chí quyết tâm, muôn người như một, đổi mới sáng tạo không ngừng. Có như thế mới thỏa mãn ước mơ “khát vọng hùng cường”. Xây dựng đất nước thịnh vượng bằng chính sức lực và trí tuệ của dân tộc hôm nay và mai sau.

Chuyên đề