Đề xuất xây dựng đạo luật riêng phát triển ngành công nghiệp nền tảng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Phát triển công nghiệp nhằm mục tiêu xây dựng xây dựng một đạo luật riêng tập trung vào các cơ chế đặc thù và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nền tảng đang được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến rộng rãi.
Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Phát triển công nghiệp đang được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến rộng rãi (ảnh: Internet)
Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Phát triển công nghiệp đang được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến rộng rãi (ảnh: Internet)

Theo Bộ Công Thương, trong hơn 35 năm mở cửa và đổi mới, cơ cấu kinh tế Việt Nam đã được chuyển dịch một cách có hiệu quả theo hướng công nghiệp hóa. Tuy nhiên, vai trò thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế chủ yếu là của các doanh nghiệp FDI được thu hút nhờ việc Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA). Vai trò của các doanh nghiệp Việt Nam còn rất mờ nhạt trong giai đoạn này.

Đặc biệt, với ngành công nghiệp chế biến chế tạo được xem là đóng vai trò chủ đạo, tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất cho khu vực công nghiệp, có tác động lan tỏa và quyết định đối với chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế. Tuy nhiên, khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo chủ yếu do các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế ngoài nhà nước đảm nhận, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

“Để Việt Nam có thể tiến lên trong giai đoạn tới cần có khung chính sách để doanh nghiệp trong nước có thể phát huy nội lực, đóng vai trò quan trọng trong phát triển, chuyển đổi công nghiệp quốc gia, đảm bảo tự cường dân tộc”, Bộ Công Thương nhìn nhận.

Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng, cách tiếp cận chính sách công nghiệp trong giai đoạn trước không còn phù hợp xu thế hiện nay. Việt Nam hiện đang thiếu khung pháp lý và khung chính sách điều chỉnh các vấn đề mới nổi của ngành công nghiệp như cách mạng công nghiệp lần tứ tư, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, trách nhiệm giải trình, chuỗi giá trị minh bạch, bình đẳng giới… Đồng thời, thiếu một hành lang pháp lý và chế tài đủ mạnh khiến cho sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến chế tạo thời gian qua vừa thiếu sự đồng bộ và tính liên kết, không phát huy hết được tiềm năng của ngành, không huy động được tối đa nguồn lực phát triển. Do đó, Ngành không tạo được sự đột phá để góp phần hoàn thành mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Gợi ý về hướng tiếp cận, Bộ Công Thương cho rằng, yêu cầu đổi mới chính sách phát triển công nghiệp quốc gia (mà trọng tâm là công nghiệp chế biến, chế tạo) cần theo hướng thay vì tập trung vào công tác quản lý, cần tập trung vào các nguồn lực để thúc đẩy công nghiệp chế biến, chế tạo trong nước phát triển, đủ trình độ tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu, tạo tiền đề công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

Chuyên đề