Đề xuất sửa đổi, bổ sung tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đang xây dựng dự thảo Quyết định tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao (CNC) với mục tiêu đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp CNC nước ngoài đầu tư hoặc mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Theo đó, doanh nghiệp sẽ được phân loại theo 3 nhóm để áp dụng; đồng thời, bổ sung, điều chỉnh tiêu chí về tỷ lệ chi cho nghiên cứu và phát triển (R&D) trên tổng doanh thu, tỷ lệ lao động trực tiếp thực hiện R&D.

Doanh nghiệp công nghệ cao được hưởng mức ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật (Ảnh minh họa: Internet)
Doanh nghiệp công nghệ cao được hưởng mức ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật (Ảnh minh họa: Internet)

Luật Công nghệ cao có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2009, quy định các điều kiện xác định và chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp CNC. Theo đó, doanh nghiệp CNC sẽ được hưởng mức ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật về đất đai, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và được xem xét hỗ trợ kinh phí đào tạo, nghiên cứu và phát triển, sản xuất thử nghiệm từ Chương trình quốc gia phát triển CNC.

Theo số liệu của Văn phòng Đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ thuộc Bộ KH&CN, sau khi Luật có hiệu lực, chỉ có 11 doanh nghiệp đăng ký và đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp CNC trong giai đoạn 2008 - 2014.

Qua phân tích, đánh giá, đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực tiếp cận ứng dụng, làm chủ hoặc nhận chuyển giao CNC và sản xuất các sản phẩm CNC rất hạn chế. Do đó, rất ít doanh nghiệp đầu tư sản xuất sản phẩm CNC đăng ký và được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp CNC.

Đối với các doanh nghiệp lớn (chủ yếu là các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI), năng lực đầu tư ứng dụng CNC và sản xuất sản phẩm CNC cao hơn, tổng doanh thu và số lao động lớn hơn rất nhiều. Do đó, tỷ lệ đầu tư cho R&D trên tổng doanh thu và tỷ lệ lao động R&D trên tổng số lao động khó đạt được theo tiêu chí mà Luật Công nghệ cao đã quy định.

Ngày 15/6/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 19/2015/QĐ-TTg quy định tiêu chí xác định doanh nghiệp CNC. Sau văn bản này, số lượng doanh nghiệp đăng ký và được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp CNC đã tăng thêm 26 doanh nghiệp trong giai đoạn 2015 - 2020, nâng tổng số lên 37 doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Bộ KH&CN cho biết, những sửa đổi trong tiêu chí xác định doanh nghiệp CNC vẫn chưa thực sự phù hợp đối với các doanh nghiệp quy mô đặc biệt lớn, nhất là đối với các doanh nghiệp FDI thuộc các tập đoàn đa quốc gia.

Để khắc phục tồn tại nêu trên, Bộ KH&CN đã rà soát, nghiên cứu sửa đổi các tiêu chí về R&D đối với doanh nghiệp CNC tại Quyết định số 19/2015/QĐ-TTg cho phù hợp với quy mô doanh nghiệp, nhằm thực hiện chủ trương đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực CNC đầu tư hoặc mở rộng đầu tư vào Việt Nam.

Tại Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (thay thế Quyết định số 19/2015/QĐ-TTg), Bộ KH&CN đề xuất phân loại doanh nghiệp là đối tượng áp dụng tiêu chí doanh nghiệp CNC thành 3 nhóm: doanh nghiệp có quy mô đặc biệt lớn (tổng vốn đầu tư từ 6.000 tỷ đồng trở lên, số lao động từ 3.000 người trở lên); doanh nghiệp có quy mô lớn (tổng vốn đầu tư từ 100 tỷ đồng trở lên và số lao động từ 200 người trở lên); doanh nghiệp vừa và nhỏ (tổng vốn đầu tư dưới 100 tỷ đồng và số lao động dưới 200 người).

Về tiêu chí tỷ lệ doanh thu từ sản phẩm CNC trên tổng doanh thu thuần, Bộ KH&CN đề xuất giữ nguyên mức như quy định tại Quyết định số 19/2015/QĐ-TTg. Theo đó, tỷ lệ doanh thu từ sản phẩm CNC hàng năm phải đạt ít nhất 70% tổng doanh thu thuần.

Về tỷ lệ chi cho R&D trên tổng doanh thu (chi cho R&D), Bộ KH&CN đề xuất bổ sung quy định, tỷ lệ chi cho R&D đối với doanh nghiệp có quy mô đặc biệt lớn phải đạt từ 0,5% tổng doanh thu thuần trừ đi giá trị đầu vào trở lên; đối với doanh nghiệp có quy mô lớn thì tỷ lệ chi cho R&D phải bằng từ 1% tổng doanh thu thuần trừ đi giá trị đầu vào trở lên; đối với doanh nghiệp còn lại thì tỷ lệ chi cho R&D phải bằng từ 2% tổng doanh thu thuần trừ đi giá trị đầu vào trở lên.

Dự thảo Quyết định cũng bổ sung quy định chi tiết nội dung chi cho R&D để doanh nghiệp dễ áp dụng. Quy định này sẽ được áp dụng thống nhất cho toàn bộ các doanh nghiệp đăng ký doanh nghiệp CNC (không phân biệt quy mô).

Theo đó, nội dung chi cho R&D gồm: chi đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho R&D tại Việt Nam (khấu hao hàng năm); chi cho hoạt động R&D thường xuyên hàng năm; chi đào tạo; chi phí bản quyền, chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp phục vụ hoạt động R&D.

Về tỷ lệ lao động trực tiếp thực hiện R&D (nhân lực R&D), Bộ KH&CN đề xuất điều chỉnh theo hướng, đối với doanh nghiệp quy mô đặc biệt lớn thì tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên trực tiếp thực hiện R&D phải đạt ít nhất 1% tổng số lao động của doanh nghiệp; đối với doanh nghiệp quy mô lớn thì tỷ lệ này phải đạt ít nhất 2,5%; đối với các doanh nghiệp còn lại, tỷ lệ này phải đạt ít nhất 5%.

Chuyên đề