Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng |
Đề xuất phân bổ cho 45 dự án đủ điều kiện
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, chiều 23/5/2023, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo Quốc hội về việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương (NSTW) giai đoạn 2021-2025 còn lại, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn NSTW trong nội bộ của bộ, cơ quan trung ương và địa phương và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2023 của Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG).
Trong đó, về vốn Chương trình phục hồi, tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, Quốc hội đã quyết nghị tăng chi từ nguồn NSNN tối đa 176 nghìn tỷ đồng, Chính phủ đã trình UBTVQH giao danh mục, mức vốn với tổng số vốn là 161.848,315 tỷ đồng, số còn lại chưa giao là 14.151,685 tỷ đồng.
Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét, quyết định phân bổ, giao danh mục sử dụng vốn Chương trình với tổng số là 13.369,468 tỷ đồng đối với 45 dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư trước ngày 31/3/2023 theo quy định. Cụ thể, 280 tỷ đồng của 4 dự án đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa các cơ sở trợ giúp xã hội, đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm; 9.580 tỷ đồng cho 4 dự án thuộc ngành giao thông; 3.509,468 tỷ đồng của 37 dự án thuộc lĩnh vực y tế.
Đối với số vốn 782,217 tỷ đồng chưa đủ thủ tục đầu tư, Chính phủ kiến nghị cho phép tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án của tỉnh Ninh Thuận với số vốn là 273 tỷ đồng, giao Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến để Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn cho dự án sau khi hoàn thiện thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giao vốn đối với các nhiệm vụ, dự án sau. Số vốn còn lại 509,217 tỷ đồng không thực hiện phân bổ do đến hết thời gian quy định tại Nghị quyết số 69/2022/QH15 ngày 11/11/2022 của Quốc hội các dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư, trong đó có 500 tỷ đồng của 4 dự án thuộc lĩnh vực y tế.
Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp |
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong tổng số vốn còn lại chưa được phân bổ, gồm: các dự án thuộc lĩnh vực y tế chiếm 26,2%; các dự án thuộc ngành giao thông chiếm 71,6%, còn lại là dự án đầu tư cơ sở bảo trợ xã hội. Nếu được hoàn thành sẽ có ý nghĩa lớn đến việc thực hiện các mục tiêu của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng như Kế hoạch năm 2023 đã được Quốc hội quyết nghị. Các nhiệm vụ, dự án nêu trên có ý nghĩa quan trọng, nếu được triển khai thực hiện, đưa vào khai thác sẽ góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế, tạo không gian, động lực phát triển mới cho các ngành, lĩnh vực, các vùng và địa phương; nâng cao chất lượng an sinh xã hội; đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược, nhất là về kết cấu hạ tầng; phát huy năng lực sản xuất, sức cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước; củng cố vững chắc quốc phòng an ninh, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới. Trường hợp toàn bộ số vốn còn lại chưa phân bổ chuyển vào dự phòng chung, không được tiếp tục phân bổ sẽ ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư hoàn thành các nhiệm vụ, dự án, đưa vào khai thác, sử dụng, phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội quốc phòng an ninh.
Bảo đảm tính khả thi trong giải ngân vốn
Trình bày báo cáo thẩm tra, ông Lê Quang Mạnh – Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (UBTCNS) của Quốc hội cho biết, đa số ý kiến Ủy ban TCNS nhận thấy, việc Chính phủ rà soát, hoàn thiện Tờ trình về phương án phân bổ vốn KHĐTCTH giai đoạn 2021-2025 và vốn Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV là cần thiết, theo đúng kết luận của UBTVQH và đúng thẩm quyền của Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh |
Về 13.369,468 tỷ đồng đối với 45 dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư, đa số ý kiến UBTCNS nhất trí việc rà soát, bố trí vốn đối với các dự án đã đủ thủ tục đầu tư, bảo đảm nguyên tắc theo quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.Tuy nhiên,việc giải ngân nguồn vốn của Chương trình rất chậm, từ nay đến hết năm 2023 chỉ còn 6 tháng để hoàn thành việc thực hiện, giải ngân theo yêu cầu của Nghị quyết số 43 là áp lực rất lớn. Đề nghị Chính phủ hết sức cân nhắc trong việc phân bổ các nguồn vốn, cần căn cứ trên cơ sở đánh giá kỹ lưỡng về tiến độ giải ngân thực tế của từng bộ, ngành địa phương để đề xuất phân bổ vốn cho những dự án đủ điều kiện, có khả năng giải ngân, bảo đảm tính khả thi, tránh tình trạng không giải ngân được hết, không đáp ứng được yêu cầu của Nghị quyết số 43.
Một số ý kiến UBTCNS cho rằng, việc giải ngân các dự án thuộc Chương trình trong năm 2022, 2023 là không khả thi. Đề nghị báo cáo Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện đến 2024, 2025.
Đối với số vốn còn lại chưa đủ thủ tục đầu tư, đa số ý kiến UBTCNS đề nghị không phân bổ tiếp đối với toàn bộ số vốn 782,217 tỷ đồng theo quy định tạikhoản 10 Điều 2 của Nghị quyết số 69. Trong đó, về số vốn 273 tỷ đồng dự kiến bố trí Dự án đầu tư hạ tầng ổn định đời sống nhân dân của xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam và xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải (tỉnh Ninh Thuận), ông Lê Quang Mạnh cho biết, đa số ý kiến UBTCNS nhất trí về sự cần thiết của dự án như Báo cáo của Chính phủ. Vì đây là Đề án ổn định sản xuất, đời sống nhân dân và phát triển khu dân cư đối với các vị trí trước đây quy hoạch xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2, đã vướng mắc nhiều năm chưa bố trí vốn để thực hiện, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Tuy nhiên, dự án này chưa đầy đủ thủ tục đầu tư theo quy định, chưa đủ điều kiện phân bổ vốn, đề nghị không phân bổ vốn của Chương trình, Chính phủ chỉ đạo địa phương và các bộ, cơ quan liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư để có phương án bố trí vốn phù hợp cho dự án, không sử dụng vốn của Chương trình cho dự án này vì chưa có đủ thủ tục đầu tư.
Một số ý kiến thống nhất với đề xuất của Chính phủ, không phân bổ tiếp số vốn 509,217 tỷ đồng. Có ý kiến đề nghị số vốn còn lại 509,217 tỷ đồng là không lớn, chỉ chiếm 0,29% tổng số vốn của Chương trình, đề nghị tiếp tục dành nguồn vốn này để đầu tư các dự án y tế khi có đủ thủ tục đầu tư, hoặc phân bổ vốn đối với những nhiệm vụ chưa có trong danh muc KHĐTCTH giai 2021-2025 như: nâng cấp, xây dựng mới cơ sở cai nghiện ma túy công lập, cơ sở chăm sóc người tâm thần…