Hiện nay, đối tượng cho vay, tài trợ của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) là DNNVV khởi nghiệp sáng tạo và DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Ảnh: Lê Tiên |
Dịch Covid-19 kéo dài đến nay đã ảnh hưởng đến tốc độ phục hồi kinh tế của Việt Nam, tạo ra nhiều thách thức cho tăng trưởng, gây áp lực lớn lên hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển của DN. Điều này thể hiện qua số liệu về tình hình đăng ký DN tháng 7 và 7 tháng năm 2021 với “nhiều gam màu xám”.
Theo số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ KH&ĐT, số DN rút lui khỏi thị trường trong 7 tháng đầu năm 2021 tiếp tục gia tăng, với 79.673 DN, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, có 40.251 DN tạm ngừng kinh doanh, chiếm đến 50,5%. Tính riêng TP.HCM, địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19, có tới 23.199 DN rút lui khỏi thị trường (chiếm 29,1% con số của cả nước), tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Bộ KH&ĐT cho rằng, cần có giải pháp kịp thời để hỗ trợ DNNVV vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 cũng như duy trì và mở rộng sản xuất, kinh doanh sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Trong đó, việc mở rộng đối tượng cho vay, tài trợ của Quỹ SMEDF lúc này là cần thiết.
Bộ KH&ĐT đề nghị mở rộng đối tượng hỗ trợ của Quỹ SMEDF để gia tăng số lượng DN có thể tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, bảo đảm bình đẳng giữa các DN hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, đồng thời vẫn bảo đảm nguyên tắc ưu tiên hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm của Luật Hỗ trợ DNNVV. Theo đó, Bộ KH&ĐT kiến nghị sửa đổi Điều 20 Luật Hỗ trợ DNNVV theo hướng mở rộng đối tượng cho vay, tài trợ của Quỹ SMEDF.
Theo Nghị quyết phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8/2021 vừa được Chính phủ ban hành, Chính phủ đồng ý thông qua đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung 10 luật, trong đó có Luật Hỗ trợ DNNVV nhằm tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh trong tình hình dịch Covid-19. Chính phủ giao các bộ có nội dung sửa đổi, bổ sung trong 10 luật khẩn trương soạn thảo, chịu trách nhiệm về nội dung dự thảo luật, gửi Bộ Tư pháp trước ngày 23/8 để tổng hợp. Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật theo quy định, trình Chính phủ cho ý kiến tại phiên họp thường kỳ tháng 8/2021.
Thông tin với Báo Đấu thầu, bà Hoàng Thị Hồng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Quỹ SMEDF cho biết, theo quy định tại Điều 20 Luật Hỗ trợ DNNVV, đối tượng cho vay, tài trợ của Quỹ có phạm vi hẹp. Đó là DNNVV khởi nghiệp sáng tạo và DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.
Theo đánh giá, đối tượng DN này chiếm một tỷ trọng nhỏ trong cộng đồng DNNVV. Mặt khác, quá trình triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV thời gian qua cho thấy, việc xác định DNNVV khởi nghiệp sáng tạo và tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị còn gặp nhiều vướng mắc, các tiêu chí đưa ra chưa thực sự rõ với đặc thù và nhu cầu hỗ trợ của từng lĩnh vực hoặc từng địa phương. Vì vậy, số lượng DNNVV được vay vốn với lãi suất ưu đãi từ Quỹ còn rất hạn chế.
Thêm nữa, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hơn 1 năm rưỡi qua đã tác động mạnh đến cộng đồng DN, nhất là DNNVV (chiếm tỷ trọng trên 98% tổng số DN Việt Nam). “Khi mở rộng đối tượng tài trợ, cho vay của Quỹ SMEDF sẽ tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả các DNNVV tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, từ đó “tiếp sức”, hỗ trợ kịp thời cho DN”, bà Hồng nhấn mạnh.
Trước đó, để hỗ trợ DN, Bộ KH&ĐT đã phê duyệt giảm lãi suất cho vay của Quỹ SMEDF về mức 2,16%/năm với các khoản vay ngắn hạn và 4%/năm với các khoản vay trung và dài hạn. Bà Hồng cho biết, mức lãi suất ưu đãi này đã tác động rất tích cực với các đối tượng vay vốn của Quỹ nhờ việc giảm chi phí về dòng tiền cho DN, hỗ trợ DN tập trung vào sản xuất, kinh doanh.