Đề xuất Hà Nội bỏ HĐND cấp quận, huyện

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chính phủ vừa có tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Chương trình xây dựng luật năm 2023, trong đó đề nghị sửa Luật Thủ đô vào Kỳ họp thứ 6, tháng 10/2023.
Hà Nội đề xuất nhiều cơ chế, chính sách mới, đặc thù trong luật Thủ đô sửa đổi. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Hà Nội đề xuất nhiều cơ chế, chính sách mới, đặc thù trong luật Thủ đô sửa đổi. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Tại dự thảo tờ trình Chính phủ về đề nghị xây dựng Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Bộ Tư pháp cho biết, trong quá trình xây dựng dự thảo báo cáo đánh giá tác động chính sách, việc xây dựng mô hình tổ chức chính quyền Thành phố còn có ý kiến khác nhau.

Cụ thể, hai phương án đang được cân nhắc là tổ chức chính quyền Hà Nội theo hướng không tổ chức HĐND phường hoặc theo hướng không tổ chức cả HĐND quận, huyện, thị xã, phường.

Trong dự thảo báo cáo đánh giá tác động chính sách và dự kiến đề cương chi tiết dự thảo luật đang thể hiện theo phương án không tổ chức cả HĐND quận, huyện, thị xã, phường với nhiều lý do.

Thứ nhất, Bộ Tư pháp cho rằng không nên phân tán quyền lực ở nhiều cấp trong phạm vi một đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành phố; cơ quan quyền lực ở địa phương không nên và không cần thiết phải lập ra nhiều cấp như hệ thống hành chính, điều hành.

Thứ hai, thực tiễn thẩm quyền cũng như hiệu quả hoạt động của HĐND cấp quận, huyện, phường là không cao.

Theo đó, HĐND ở quận, huyện, phường được đánh giá là không có nhu cầu lớn về ban hành văn bản quy phạm pháp luật mà chủ yếu là tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật do Trung ương và Thành phố ban hành.

Ngoài ra, Bộ Tư pháp cho rằng, phương thức hoạt động qua các kỳ họp cũng có thể tạo ra độ trễ về thời gian khi HĐND quận, huyện, phường quyết định các nội dung, chỉ tiêu mà nhiều trường hợp đã được xác định tại nghị quyết và quyết định của HĐND, UBND Thành phố.

Thứ ba, việc bỏ HĐND cấp quận, huyện cơ bản như phương án đã thực hiện thí điểm những năm trước, sẽ có nhiều thuận lợi hơn, vì đã có làm thử, có đánh giá và kinh nghiệm để tiếp tục triển khai thực hiện.

Ngoài ra, ưu điểm của việc bỏ HĐND cấp quận, huyện, thị xã là tạo ra những thay đổi tích cực về tiếp nhận, giải quyết các giao dịch hành chính, thủ tục hành chính.

Cùng với đó, tờ trình cũng đề xuất nội dung về việc chủ tịch UBND cấp trên bổ nhiệm chủ tịch và phó chủ tịch UBND cấp dưới trực tiếp. Việc này được kỳ vọng góp phần tăng tính thống nhất cũng như thứ bậc giữa các cơ quan hành chính, rõ nét chế độ thủ trưởng, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu.

Tuy nhiên, báo cáo tác động cũng cho biết, "khó khăn" của việc không tổ chức HĐND cấp quận, huyện, phường có thể dẫn đến việc phải chi trả sắp xếp lại bộ máy, giải quyết chế độ, tinh giản biên chế với khoảng 180 người là cán bộ chuyên trách ở các HĐND ở các cấp hiện nay.

Ngoài nội dung trên cần xin ý kiến, Bộ Tư pháp trình một số nội dung trong dự thảo để Chính phủ xem xét, quyết định bao gồm các mục tiêu, nội dung của chính sách và giải pháp để thực hiện chính sách khi đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).

Theo đó, Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi dự kiến trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 vào tháng 10/2023 và thông qua tại Kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/2024.

Chuyên đề