Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Các tuyến quốc lộ được Bộ GTVT đề xuất nằm trên địa bàn các tỉnh Long An, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng và Bạc Liêu. Thời gian nâng cấp là 4 năm sau khi Hiệp định tài trợ có hiệu lực (dự kiến từ năm 2024 - 2027).
Đối với Quốc lộ 62, Bộ GTVT đề xuất nâng cấp đoạn từ Km4+200 (nút giao với đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương) đến Km74 với chiều dài đầu tư khoảng 69 km, trên địa bàn tỉnh Long An. Tuyến đường được nâng cấp, cải tạo đạt tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, vận tốc thiết kế 80 km/h, nền đường rộng 12 m, mặt đường rộng 11 m bao gồm 2 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ.
Tại Quốc lộ 91B, Bộ GTVT đề xuất nâng cấp đoạn Km2+604 (ngã 5 cầu Cần Thơ) - Km143+480 với chiều dài đầu tư khoảng 141 km, trên địa bàn TP. Cần Thơ và các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu. Tuyến được nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, vận tốc thiết kế 80 km/h. Những đoạn có nền đường rộng 12 m, mặt đường rộng 11 m thì giữ nguyên quy mô và tăng cường mặt đường.
Với Quốc lộ 53, Bộ GTVT đề xuất nâng cấp cầu Ngã Tư (Km7+820 - Km8+730); đoạn Long Hồ - Ba Si (Km11+295 - Km56+180) với tổng chiều dài đầu tư khoảng 41 km, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh. Tuyến quốc lộ này được đầu tư với quy mô cấp 3 đồng bằng, vận tốc thiết kế 80 km/h, nền đường rộng 12m, mặt đường rộng 11m, có 2 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ.
Bộ GTVT tính toán tổng mức đầu tư gần 9.300 tỷ đồng, tương đương khoảng 340 triệu USD. Trong đó, vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) gần 6.300 tỷ đồng (hơn 263 triệu USD).
Về phương pháp triển khai các dự án, Bộ GTVT đề xuất phân chia thành 3 dự án thành phần: Dự án thành phần 1 Nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 53; Dự án thành phần 2 Nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 62; Dự án thành phần 3 Nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 91B.