Đề xuất đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư điện gió ngoài khơi

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự thảo Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu có 7GW điện gió ngoài khơi (ĐGNK) vào năm 2030, chiếm 4,8% công suất hệ thống điện cả nước. Dưới góc nhìn của nhiều chuyên gia kinh tế cũng như nhà đầu tư lĩnh vực này, việc xem xét áp dụng pháp luật về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư phát triển ĐGNK là cần thiết, bởi đây là cơ chế cạnh tranh, công khai, minh bạch, là cơ sở quan trọng để tăng tính khả thi của dự án.
Dự thảo Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu có 7GW điện gió ngoài khơi vào năm 2030. Ảnh: Bùi Văn Thịnh
Dự thảo Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu có 7GW điện gió ngoài khơi vào năm 2030. Ảnh: Bùi Văn Thịnh

Khoảng trống pháp lý phát triển điện gió ngoài khơi

Theo đề xuất của Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC), để đạt được mục tiêu 7GW ĐGNK vào năm 2030, Việt Nam cần có lộ trình chính sách một cách rõ ràng. Có thể thực hiện thí điểm phát triển các dự án đầu tiên với quy mô 4 - 5 GW trong 1 - 3 năm tới để đón thế hệ đầu tiên của ĐGNK thông qua một cơ chế mua sắm đơn giản. Sau giai đoạn thí điểm, việc lựa chọn nhà đầu tư phát triển dự án ĐGNK cần được thực hiện thông qua cơ chế đấu thầu.

Bà Lê Thị Phương Nhi, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Siemens Gamesa Renewable Energy nhìn nhận, hiện khung pháp lý để phát triển các dự án ĐGNK đang là câu hỏi thách thức. “Việt Nam muốn có 7 GW ĐGNK vào năm 2030, nên cần có giai đoạn khởi tạo thị trường bằng cơ chế giá cố định hoặc có chính sách hỗ trợ nào đó. Về lâu dài, phải thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư phát triển dự án ĐGNK”, bà Nhi nêu quan điểm.

Về vấn đề này, ông Hoàng Giang, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV PE Việt Nam cho rằng, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư phát triển điện gió là cơ chế rõ ràng, minh bạch, tạo sự cạnh tranh công bằng cho các nhà đầu tư. Có nhiều nước trên thế giới đã thực hiện và thành công, song cơ chế này nên áp dụng với các dự án mới, còn những dự án đã và đang thực hiện nên áp dụng cơ chế chuyển tiếp.

Tuy nhiên, chia sẻ với Báo Đấu thầu, một số chuyên gia năng lượng cho rằng, Việt Nam nên đi thẳng vào việc thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư phát triển dự án ĐGNK, không cần thực hiện giai đoạn chuyển tiếp. Bởi với những cơ chế chưa xác định đầy đủ như hiện nay, nhà đầu tư và bên mua điện sẽ mất rất nhiều thời gian để đàm phán. Theo quan điểm này, thà bỏ ra 3 năm để xây dựng cơ chế đấu thầu nhằm thực hiện một cách minh bạch, bài bản còn hơn 8 năm để các dự án phát triển trong tình trạng thiếu minh bạch.

Cần xây cơ chế lựa chọn nhà đầu tư minh bạch, cạnh tranh

Điểm khó là các quy định về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư phát triển dự án ĐGNK hiện chưa đầy đủ. Việc triển khai đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư phát triển dự án ĐGNK có một số vướng mắc như: việc giao khu vực biển để khảo sát chưa rõ cơ chế; thiếu quy định cụ thể về đối tượng, trình tự khảo sát đối với ĐGNK; thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư; cơ chế xử lý đối với trường hợp nhà đầu tư thực hiện khảo sát nhưng không được lựa chọn thực hiện dự án…

Một số chuyên gia cho rằng, đây là thách thức, song cũng là cơ hội cho những quốc gia đi sau có thể học hỏi kinh nghiệm tốt của thế giới nhằm đón nhận các kịch bản đầu tư đối với ĐGNK.

Trong khuôn khổ Hội nghị Điện gió Việt Nam 2022 vừa diễn ra, ông Mark Leybourne, Trưởng Chương trình ĐGNK thuộc Ngân hàng Thế giới chia sẻ, theo kinh nghiệm của các nước, để phát triển dự án ĐGNK, cần đấu thầu để trao quyền phát triển địa điểm/khu vực thực hiện dự án với tiêu chí rõ ràng. Các nhà đầu tư lựa chọn địa điểm và chuẩn bị hồ sơ dự thầu. Nhà đầu tư thắng thầu độc quyền phát triển - đây là điều kiện quan trọng để “mở khóa” chi phí đầu tư cho việc khảo sát và các hoạt động phát triển dự án. Sau khi khảo sát, thiết kế, sẽ thực hiện đấu thầu về giá bán điện để trao hợp đồng mua bán điện lâu dài và có khả năng vay vốn ngân hàng.

“Các yếu tố cần thiết cho sự thành công của việc đấu thầu là rõ ràng, minh bạch; đảm bảo cạnh tranh, đủ nhà thầu hợp lệ; lắng nghe tư vấn rộng rãi của đơn vị chuyên ngành; thông cáo rõ ràng về tiêu chí đánh giá và mọi điều kiện cạnh tranh…”, ông Mark Leybourne nhấn mạnh.

Chuyên đề