Đề xuất cơ chế đưa Thanh Hóa thành cực tăng trưởng mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong giai đoạn tới, tỉnh Thanh Hóa dự kiến đầu tư nhiều dự án lớn để phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, với mục tiêu phát triển Thanh Hóa thành một cực tăng trưởng mới của khu vực và cả nước. Để có nguồn lực đầu tư, Thanh Hóa cần thêm những chính sách, cơ chế đặc thù.
Tỉnh Thanh Hóa có nhu cầu vay lại 2.707 tỷ đồng vốn nước ngoài cho 13 dự án ODA trong giai đoạn 2021 – 2025. Ảnh: Lê Tiên
Tỉnh Thanh Hóa có nhu cầu vay lại 2.707 tỷ đồng vốn nước ngoài cho 13 dự án ODA trong giai đoạn 2021 – 2025. Ảnh: Lê Tiên

Dự kiến đầu tư nhiều dự án ODA

Theo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), UBND tỉnh Thanh Hóa báo cáo nhu cầu vay lại vốn nước ngoài cho 13 dự án ODA trong giai đoạn 2021 - 2025 với tổng mức đầu tư dự kiến 12.287 tỷ đồng và nhu cầu vốn vay lại là 2.707 tỷ đồng. Trong đó, 3 dự án ODA đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư là Dự án Phát triển tổng hợp các đô thị động lực - Tiểu dự án Đô thị Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, vay vốn WB, tổng mức đầu tư 1.777 tỷ đồng, trong đó vốn vay lại là 479 tỷ đồng; Dự án Cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị Ngọc Lặc, huyện Ngọc Lặc, tổng mức đầu tư 817 tỷ đồng, vay vốn AFD, trong đó vốn vay lại 133 tỷ đồng; Dự án Xây dựng hệ thống cấp nước chuỗi đô thị dọc Quốc lộ 47, TP. Thanh Hóa và vùng phụ cận, vay vốn Hungary, tổng mức đầu tư 1.260 tỷ đồng, vốn vay lại 413 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, 10 dự án dự kiến đầu tư thêm với tổng mức đầu tư 8.433 tỷ đồng, trong đó vốn vay lại là 1.682 tỷ đồng. Trong số này có Dự án Nạo vét luồng tàu vào cảng Nghi Sơn; Dự án Hệ thống tiêu thoát lũ sông Hoạt; Dự án Đầu tư trang thiết bị y tế Bệnh viện Đa khoa khu vực Tĩnh Gia…

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa được xây dựng nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 58-NQ/TW về việc xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh Thanh Hóa, bảo đảm tương đồng với các thành phố lớn khác trong cả nước, thực sự là động lực để Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới của khu vực và cả nước.

Bên cạnh các dự án ODA, theo UBND tỉnh Thanh Hóa, trong giai đoạn tới, Tỉnh còn có nhu cầu huy động vốn đầu tư nhiều dự án trọng điểm trên địa bàn với tổng mức đầu tư khoảng 30 nghìn tỷ đồng, thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước và các tổ chức khác. Trong đó có Dự án Tuyến đường vành đai 3 nhánh Đông đoạn từ huyện Hoằng Hóa đến huyện Quảng Xương; Đại lộ Nam sông Mã (giai đoạn 2); Đại lộ Bắc sông Mã; đập Cẩm Hoàng…

Đề xuất tăng mức dư nợ vay

Theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, tỉnh Thanh Hóa được áp dụng mức dư nợ vay không quá 20% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp. Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa đang được Bộ KH&ĐT lấy ý kiến đề xuất quy định tỉnh Thanh Hóa được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp.

Theo Bộ KH&ĐT, việc quy định tăng giới hạn mức dư nợ vay bảo đảm cho tỉnh Thanh Hóa có thêm dư địa được vay là phù hợp với bối cảnh đẩy mạnh cơ chế cho phép chính quyền địa phương vay lại từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài. Đồng thời, đáp ứng được nhu cầu vay lại vốn nước ngoài cho 13 dự án ODA tại Thanh Hóa trong giai đoạn 2021 - 2025. Việc tăng mức dư nợ vay này được kiểm soát trong giới hạn trần nợ công của cả nước vì tổng mức vay và bội chi ngân sách của tỉnh Thanh Hóa hàng năm do Quốc hội quyết định. Việc tạo điều kiện cho Tỉnh có thêm nguồn lực để đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội là phù hợp với điều kiện, khả năng ngân sách của địa phương, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030 và vẫn bảo đảm an toàn, bền vững nợ công. Bên cạnh đó, căn cứ tiềm năng, lợi thế phát triển, nhu cầu huy động vốn đầu tư và dự kiến khả năng thu từ các nguồn thu tiền sử dụng đất, số tăng thu ngân sách hàng năm và chi từ nguồn chi đầu tư xây dựng cơ bản hàng năm, tỉnh Thanh Hóa sẽ bảo đảm được khả năng hấp thụ vốn cũng như nghĩa vụ trả nợ vay của ngân sách tỉnh theo hạn mức dư nợ vay đề xuất 60%.

Chuyên đề