Đề xuất cải cách hoạt động đăng ký doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự thảo Nghị định về đăng ký doanh nghiệp (ĐKDN) thay thế Nghị định số 01/2021/NĐ-CP (NĐ01) đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) chủ trì soạn thảo, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 9 tới.
Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 01/2021/NĐ-CP đề xuất bổ sung quy định về việc sử dụng số định danh cá nhân khi thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp. Ảnh: Tiên Giang
Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 01/2021/NĐ-CP đề xuất bổ sung quy định về việc sử dụng số định danh cá nhân khi thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp. Ảnh: Tiên Giang

Ông Nguyễn Khắc Huy, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (ĐKKD) thuộc Bộ KH&ĐT cho hay, Dự thảo Nghị định có điểm mới theo hướng đơn giản hóa thủ tục, giải quyết các vướng mắc thực tế nhằm tạo thuận lợi cho người dân, DN trong quá trình gia nhập thị trường và hoạt động sản xuất kinh doanh.

Khắc phục vướng mắc thực tiễn

Tại Hội thảo góp ý Dự thảo Nghị định về ĐKDN do Bộ KH&ĐT phối hợp cùng Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức chiều 15/7 tại Hà Nội, nhiều ý kiến đánh giá, sau hơn 3 năm thi hành, NĐ01 đã góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, được cộng đồng DN đánh giá cao. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, NĐ01 cần được nghiên cứu để bổ sung quy định nhằm hướng dẫn đầy đủ hơn, khắc phục các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn trên cơ sở đề xuất của địa phương và DN.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI, một số vướng mắc phát sinh trong thực tiễn nhận được nhiều phản ánh của địa phương, DN là: quy định đối với người đại diện theo pháp luật của DN thực hiện thủ tục ĐKDN còn lỏng lẻo dẫn đến tình trạng một số cá nhân, tổ chức lợi dụng để thực hiện các hành vi vi phạm nhằm mục đích trục lợi hoặc trốn tránh trách nhiệm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, của Nhà nước, làm méo mó môi trường đầu tư kinh doanh. Cùng với đó, nền kinh tế xuất hiện hình thức kinh doanh mới (cá nhân kinh doanh thực hiện livestream bán hàng với doanh thu nhiều tỷ đồng/phiên) nên phương thức đăng ký DN cũng cần có sự thay đổi, thích ứng với bối cảnh mới nhằm hoàn thiện quản lý nhà nước cũng như bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng.

LS. Trần Thị Thanh Huyền, Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự cho biết, thực tế, DN gặp khó khăn khi đăng ký ngành, nghề kinh doanh không được quy định tại Hệ thống ngành nghề kinh tế Việt Nam hoặc pháp luật chuyên ngành (việc được chấp thuận hay không phụ thuộc nhiều vào quan điểm của cơ quan ĐKKD từng địa phương). Đây là vấn đề nhức nhối của DN trong bối cảnh Luật DN quy định DN được tự do kinh doanh ngành, nghề mà pháp luật không cấm.

Ngoài ra, một số thủ tục chưa quy định về trình tự, hồ sơ thực hiện dẫn tới cơ quan ĐKKD từng địa phương có quan điểm áp dụng khác nhau, gây lúng túng trong quá trình thực hiện.

Cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị định chỉ ra, NĐ01 chưa có quy định tình trạng pháp lý của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của DN trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về ĐKDN, gây ảnh hưởng đến công tác quản lý do không xác định trạng thái hoạt động của các chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh trong khi DN có thể đã bị thu hồi giấy chứng nhận ĐKDN hoặc DN đã bị giải thể, dẫn đến việc thông tin được công khai không đảm bảo tính chính xác…

Tiếp tục cải cách, tìm giải pháp thích ứng

Nhằm khắc phục những hạn chế tại NĐ01 cũng như đáp ứng yêu cầu mới, ông Nguyễn Khắc Huy cho hay, Dự thảo Nghị định thay thế NĐ01 tiếp tục có những đề xuất mới nhằm gỡ vướng cho hoạt động ĐKKD, đẩy mạnh cải cách TTHC, tạo thuận lợi cho cộng đồng DN.

Cụ thể, bà Bùi Thị Châm, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ ĐKKD thuộc Cục Quản lý ĐKKD cho hay, Dự thảo Nghị định đề xuất bỏ các quy định về đăng ký hộ kinh doanh, ban hành kèm theo hệ thống biểu mẫu áp dụng trong ĐKDN hiện đang quy định tại Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT. Lý do là nhằm phù hợp với quy định về thẩm quyền ban hành TTHC tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và sắp xếp, hoàn thiện khung khổ pháp lý về ĐKKD.

Dự thảo Nghị định đề xuất bổ sung quy định về việc sử dụng số định danh cá nhân khi thực hiện thủ tục ĐKDN nhằm thực thi phương án đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân tại Nghị quyết số 136/NQ-CP. Theo đó, trường hợp người thực hiện thủ tục ĐKDN kê khai số định danh cá nhân thì có thể cắt giảm được phần lớn thông tin cá nhân phải kê khai trên cơ sở khai thác thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tiết kiệm thời gian thực hiện TTHC, hạn chế tối đa hành vi giả mạo hồ sơ để ĐKDN trái pháp luật do các thông tin cá nhân lưu trữ tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là các thông tin đã được Bộ Công an xác minh.

Bên cạnh đó, Dự thảo Nghị định bổ sung quy định về tình trạng pháp lý của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của DN nhằm xác định trạng thái hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh theo hồ sơ đăng ký và tình trạng pháp lý của DN, bảo đảm việc cung cấp thông tin chính xác và có giá trị pháp lý, đồng thời tạo sự thống nhất về số liệu thống kê giữa cơ quan ĐKKD và cơ quan thuế…

Để khắc phục khó khăn, vướng mắc cho DN trong việc đăng ký ngành, nghề kinh doanh không được quy định tại Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam hoặc pháp luật chuyên ngành, bà Huyền góp ý, Nghị định thay thế cần quy định cụ thể, rõ ràng để thuận tiện cho DN và cơ quan ĐKDN trong quá trình thực hiện. Ngoài ra, Nghị định về ĐKDN cũng cần đồng bộ quy định hướng dẫn về ĐKDN từ thủ tục, biểu mẫu thực hiện đến cơ chế liên thông giữa các cơ quan khi thực hiện thủ tục liên quan đến ĐKDN để đảm bảo tính thống nhất, đơn giản hóa TTHC.

Chuyên đề