Đề xuất bổ sung quy hoạch 10 cảng hàng không: Cục Hàng không nói gì?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) Đinh Việt Thắng mới đây đã có Công văn số 6010/CHK-QLC báo cáo Bộ Giao thông vận tải kết quả làm việc với UBND các tỉnh, thành về đề xuất bổ sung quy hoạch 10 cảng hàng không (CHK) vào Quy hoạch hệ thống CHK quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đánh giá ban đầu, có 3 đề xuất không khả thi; 6 đề xuất có nguy cơ xung đột hoạt động bay với các sân bay, CHK vùng lân cận hiện hữu…
Các đề xuất xây dựng cảng hàng không, sân bay cần tiếp tục được nghiên cứu, khảo sát, đánh giá trên nhiều yếu tố khác như: quy hoạch, an ninh - quốc phòng, tiềm năng phát triển về du lịch, dịch vụ, khả năng thu hút đầu tư… Ảnh minh họa: Lê Phú An
Các đề xuất xây dựng cảng hàng không, sân bay cần tiếp tục được nghiên cứu, khảo sát, đánh giá trên nhiều yếu tố khác như: quy hoạch, an ninh - quốc phòng, tiềm năng phát triển về du lịch, dịch vụ, khả năng thu hút đầu tư… Ảnh minh họa: Lê Phú An

Những đề xuất chưa khả thi

Với đề nghị quy hoạch CHK tại huyện Mộc Châu của UBND tỉnh Sơn La, Cục HKVN cho biết, nhu cầu vận tải đường hàng không tại tỉnh Sơn La chưa cao, việc đầu tư thêm cảng hàng không này sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của CHK Nà Sản hiện hữu.

Đánh giá về đề nghị quy hoạch CHK tại xã Tân Quang, huyện Bắc Quang của UBND tỉnh Hà Giang, Cục HKVN cho biết, vị trí đề xuất xây dựng này có địa hình phức tạp, núi non hiểm trở, vùng trời và phương thức bay cũng không thuận lợi nên việc quy hoạch CHK ở đây là khó khả thi.

Với đề nghị của tỉnh Tuyên Quang, theo đánh giá của Cục HKVN, vị trí đặt CHK (tại xã Năng Khả, huyện Na Hang) không khả thi, vì điều kiện địa hình nhiều núi cao, không xây dựng được phương thức bay. Hơn nữa, vị trí dự kiến xây CHK của UBND tỉnh Tuyên Quang khá gần sân bay quân sự Yên Bái, gần vị trí dự kiến nghiên cứu quy hoạch CHK Yên Bái khai thác lưỡng dụng, nên điều cần hơn là sự phối hợp để điều hành các hoạt động bay an toàn và hiệu quả.

Cũng theo các kết quả đánh giá, có 6/10 đề xuất xây sân bay của các địa phương có nguy cơ chồng lấn, xung đột hoạt động bay với các CHK hiện hữu ở các vùng lân cận. Cụ thể, UBND tỉnh Yên Bái đề nghị quy hoạch CHK tại sân bay quân sự Yên Bái tại phường Nam Cường, thành phố Yên Bái. Cục HKVN cho rằng, sân bay Yên Bái khả thi cho khai thác hàng không dân dụng. Tuy nhiên, tương lai khi CHK Sa Pa hoạt động thì cần thiết lập phương thức bay bổ sung và nghiên cứu thống nhất công tác phối hợp điều hành vùng chồng lấn giữa 2 sân bay.

UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị xây CHK tại huyện Cẩm Xuyên. Kết quả nghiên cứu cho thấy, CHK này có tính khả thi về thiết kế phương thức cất/hạ cánh, song cần tính toán giải quyết xung đột giữa hoạt động bay với CHK Vinh (Nghệ An) và CHK Đồng Hới (Quảng Bình), do khoảng cách địa lý khá gần nhau.

UBND tỉnh Kon Tum đề nghị quy hoạch CHK tại thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plong. Đề nghị này được đánh giá cũng có tính khả thi thiết kế phương thức cất/hạ cánh, nhưng dễ xung đột giữa hoạt động bay với CHK Pleiku hiện hữu (tỉnh Gia Lai).

Câu chuyện tương tự với đề xuất xây CHK tại xã An Hải, huyện Lý Sơn của UBND tỉnh Quảng Ngãi. Theo Cục HKVN, vùng trời CHK Lý Sơn (bán kính 30 km) sẽ chồng lấn vào vùng trời CHK Chu Lai, gây ảnh hưởng đến hoạt động bay tại CHK Chu Lai nếu khai thác đồng thời 2 CHK này. Tỉnh Khánh Hòa thì đề xuất xây CHK tại Khu kinh tế Vân Phong, nhưng lại gần với CHK quốc tế Cam Ranh, CHK Tuy Hòa. UBND tỉnh Tây Ninh đề xuất xây CHK tại huyện Dương Minh Châu, được đánh giá là “khả thi cho khai thác hàng không dân dụng”, song cần có sự hiệp đồng với sân bay Biên Hòa và CHK quốc tế Tân Sơn Nhất.

Trong 10 địa phương đề xuất bổ sung xây dựng CHK, duy nhất đề xuất của UBND tỉnh Đắk Nông (xây CHK tại xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong) được đánh giá có tính khả thi về nhiều mặt, đặc biệt không ảnh hưởng đến sân bay Liên Khương (tỉnh Lâm Đồng) hiện hữu.

Nghiên cứu thực tiễn để hoàn thiện quy hoạch dài hạn

Trong một chia sẻ mới đây, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định, để tìm kiếm động lực tăng trưởng, đề xuất xây dựng sân bay được nhiều tỉnh, thành đưa ra như một điểm nhấn trong hệ sinh thái phát triển kinh tế. TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, các đề xuất cần đảm bảo tính khả thi và cần có cơ chế, chính sách để nhà đầu tư cảm nhận được sự hấp dẫn, mới có thể phát huy được hiệu quả thực tế. Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thì nhìn nhận, đầu tư sân bay cần tính toán về lợi ích tổng thể, tiềm năng và hỗ trợ các vấn đề xã hội. Theo đó, đề xuất của các địa phương cần được tính toán kỹ lưỡng, để đảm bảo sự thống nhất với các mục tiêu kinh tế chung và hiệu quả thực chất của hoạt động đầu tư.

Trước thực tế 10 địa phương ồ ạt đề xuất bổ sung quy hoạch xây dựng sân bay, nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã lên tiếng cần làm rõ cơ sở khoa học và tính khả thi của các đề xuất. Sự khả thi cần được xem xét trên tiêu chí định lượng rõ ràng về năng suất bay, nhu cầu thực tế, tính hiệu quả của dự án… Báo cáo của Cục Hàng không là bước đánh giá ban đầu cho các đề xuất từ phía địa phương.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Uông Việt Dũng, Phó Chánh Văn phòng Bộ Giao thông vận tải cho biết, kết quả làm việc của Cục HKVN, các đơn vị chức năng của Bộ với 10 tỉnh, thành là cơ sở để Bộ tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Quy hoạch phát triển hệ thống sân bay thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn tới năm 2050. Tuy nhiên, các đề xuất xây dựng CHK, sân bay vẫn cần phải tiếp tục nghiên cứu, khảo sát, đánh giá trên nhiều yếu tố khác như: quy hoạch, an ninh - quốc phòng, tiềm năng phát triển về du lịch, dịch vụ, khả năng thu hút đầu tư…, trước khi chọn ra những phương án khả thi để đưa vào đề xuất chính thức Quy hoạch tổng thể ngành.

Chuyên đề