Đề xuất bổ sung nhiều đơn giá, định mức xây dựng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 12/2021/TT-BXD về ban hành định mức xây dựng với định hướng sửa đổi, bổ sung 219 định mức. Theo một số nhà thầu xây dựng, vẫn còn nhiều định mức, đơn giá cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung hoặc đưa vào các quy định định mức của pháp luật chuyên ngành để đảm bảo phù hợp với thực tiễn hoạt động xây dựng.
Doanh nghiệp xây dựng kiến nghị bổ sung các định mức liên quan tới công nghệ mới, hạ tầng kỹ thuật đường cao tốc… Ảnh: Lê Hoàng
Doanh nghiệp xây dựng kiến nghị bổ sung các định mức liên quan tới công nghệ mới, hạ tầng kỹ thuật đường cao tốc… Ảnh: Lê Hoàng

Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 12/2021/TT-BXD đề xuất sửa đổi, bổ sung đối với 219 định mức xây dựng, dự kiến ban hành vào tháng 6/2024.

Ông Dương Văn Cận, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho biết, VACC đã có nhiều văn bản gửi Bộ Xây dựng kiến nghị hơn 100 danh mục công việc với hàng trăm đơn giá, định mức được đề xuất sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn. VACC đã phối hợp với Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) tổ chức các đoàn khảo sát một số dự án thực tế của các thành viên trong Hiệp hội để có được những thông tin, số liệu kiến nghị đảm bảo sát thực tế và là những vấn đề nổi cộm nhất trong hoạt động xây dựng liên quan tới đơn giá, định mức.

Trong 219 định mức được sửa đổi, bổ sung tại Dự thảo Thông tư, có khoảng 50 định mức mới. Ông Cận cho biết, có một số định mức VACC đề xuất trong danh sách đề nghị sửa đổi, bổ sung và được tiếp thu như: công tác làm đường, công tác rải asphalt, vận chuyển vật liệu, khoan cọc đất, công tác cấp phối bê tông… Tuy nhiên, vẫn còn nhiều định mức doanh nghiệp xây dựng kiến nghị chưa được tiếp thu, trong đó có các định mức liên quan tới công nghệ mới, hạ tầng kỹ thuật đường cao tốc; công tác thi công cầu dây văng, cấp phối bê tông…

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cho biết, cơ quan quản lý nhà nước đã có sự cầu thị trong việc tiếp thu nhiều ý kiến sửa đổi, bổ sung đối với đơn giá, định mức xây dựng. Đơn cử, với định mức điều chỉnh hệ số hao hụt cấp phối đá dăm trên thực tế triển khai và được đề xuất ở mức 1,42 (định mức hiện hành là 1,38), cơ quan nhà nước đưa định mức này lên 1,40 là có hướng cải thiện, giúp cho hoạt động xây dựng “dễ thở hơn”. Tuy nhiên, việc kiến nghị, đề xuất vẫn nên được tiếp tục để có thể giải quyết triệt để các khó khăn về định mức cho nhà thầu.

Ông Võ Tiến Đạt, Tổng giám đốc Công ty CP Ecoba Việt Nam chia sẻ thực tế, trong quá trình triển khai một dự án BT, Ecoba Việt Nam bị tổn thất 15 tỷ đồng vì sử dụng vật liệu là cốp pha nhôm khi thi công. Loại này phổ thông trên thị trường và đã được đưa vào thực tế triển khai xây dựng nhiều năm nay, nhưng do không có định mức của Nhà nước đối với vật liệu này nên Nhà thầu không được thanh toán. Do đó, ông Đạt đề xuất, việc cập nhật đơn giá, định mức cần được luật hóa về tần suất sửa đổi, bổ sung (có thể theo tháng, theo quý…) để đảm bảo thường xuyên hơn, theo kịp sự thay đổi của công nghệ, thị trường.

Cùng chung quan điểm, ông Bùi Khắc Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai cho rằng, trong quá trình triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh, nhà thầu rất muốn ứng dụng các nghiên cứu về công nghệ mới, vật liệu mới để cạnh tranh về giá, đẩy nhanh và cải thiện biện pháp thi công, giảm nhân công… Tuy nhiên, thực tế chưa có định mức xây dựng, định mức kinh tế kỹ thuật cho phần công nghệ mới, nên nếu đưa vào các công trình có vốn ngân sách nhà nước thì rất khó quyết toán, thậm chí không quyết toán được.

Một nhà thầu lĩnh vực xây dựng chia sẻ, bên cạnh định mức, đơn giá xây dựng không phù hợp với thực tiễn, nhà thầu còn lỗ nặng về đơn giá nhân công. Đơn cử, đơn giá của Nhà nước chi trả cho cán bộ kỹ thuật đi khảo sát hiện trường là 6 triệu đồng/tháng, nhưng thực tế các nhà thầu phải chi trả tới 20 triệu đồng/tháng tiền lương cho nhân sự này thì mới tuyển dụng được. Mức chênh lệch chi phí này nhà thầu chưa biết hạch toán vào đâu.

Có nhà thầu đề xuất, cần kiến nghị với Bộ Xây dựng báo cáo Chính phủ cho phép áp dụng Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 12/2021/TT-BXD (sau khi được ban hành) với cả những gói thầu xây dựng hạ tầng kỹ thuật chưa quyết toán, còn đang thi công, để phần nào hỗ trợ cho các nhà thầu.

Ông Dương Văn Cận cho biết, VACC sẽ tiếp tục rà soát, kiến nghị với Bộ Xây dựng về các đơn giá, định mức không phù hợp với thực tiễn trên cơ sở tập hợp, lấy ý kiến của nhiều doanh nghiệp xây dựng, nhà thầu. Nếu có những định mức đặc thù chuyên ngành như giao thông, cầu đường thì sẽ đề xuất Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Giao thông vận tải để sớm xây dựng, ban hành quy định định mức theo pháp luật chuyên ngành.

Chuyên đề