Để tránh lạm phát, bong bóng tài sản

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - "Đưa chính sách kích cầu năm 2022 vào đâu? Tôi cho rằng, đích cuối cùng là vốn phải vào doanh nghiệp (DN) sản xuất, vào hạ tầng và thương mại điện tử... Đó là căn cơ".
Vấn đề căn cơ mà chính sách kích cầu năm 2022 cần nhắm đến là vốn phải vào doanh nghiệp sản xuất, hạ tầng và thương mại điện tử... Ảnh: Tường Lâm
Vấn đề căn cơ mà chính sách kích cầu năm 2022 cần nhắm đến là vốn phải vào doanh nghiệp sản xuất, hạ tầng và thương mại điện tử... Ảnh: Tường Lâm

Đây là những gợi mở của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhân dịp năm mới 2022 khi chia sẻ với Báo Đấu thầu xoay quanh lo ngại của dư luận về một năm 2022 với những dự cảm của lạm phát, bong bóng bất động sản (BĐS), chứng khoán có thể gia tăng do nguồn vốn kích cầu.

Vừa qua, có ý kiến đề xuất miễn thuế 100% cho DN hoạt động trong những ngành, lĩnh vực chịu tác động mạnh, tiêu cực nhất của đại dịch như giao thông, vận tải, logistics, du lịch... Bà nghĩ sao về điều này?

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Giãn thuế rõ ràng là không đủ, đối với DN không hoạt động, họ có phát sinh doanh thu, lợi nhuận đâu để nộp thuế. Vậy nên, giãn thuế, miễn thuế ồ ạt cũng là vô hiệu với họ.

Về trường hợp miễn thuế 100% đối với DN chịu tác động lớn trong các lĩnh vực như GTVT, du lịch, nghỉ dưỡng, logistics... phải có tính thực tế và lắng nghe DN thụ hưởng chứ không nên làm dàn trải, bởi nguồn lực có hạn. Mà nếu có tiền cũng không nên làm như vậy.

Nếu thực sự DN quá yếu, hãy chấp nhận để họ giải thể, chuyển sang hình thức kinh doanh mới, không thể sử dụng công cụ, bàn tay nhà nước áp đặt được. Người ta hay nói kinh doanh ngấm vào máu rồi, nên người làm DN họ không từ bỏ đâu. Nếu họ có ý tưởng kinh doanh mới, Nhà nước có thể ủng hộ họ bằng cách này hay cách khác. Trong kinh tế học, sau khủng hoảng là quá trình chọn lọc, đào thải tự nhiên để chọn những DN tốt, loại hình kinh tế tốt hơn. Ai nhanh, ai khỏe và biết tái cơ cấu là thắng.

Còn đối với những đối tượng không thể phục hồi, cứu chữa được, chúng ta hỗ trợ bằng cách khác, đó là đào tạo lại cho họ tham gia vào lĩnh vực mới, hoặc tự họ sẽ biết kết hợp với nhau để giảm rủi ro.

Có thể đề xuất miễn thuế không được ủng hộ, nhưng đề xuất đẩy mạnh vốn vay giá rẻ cho DN, có cơ chế thực sự ưu đãi cho họ là cần thiết vào năm 2022 khi kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam dự báo hồi phục trở lại?

Chi phí vốn ở Việt Nam rất cao, thủ tục nhiều, cồng kềnh, thông thường DN khi vay mượn phải thế chấp nhà xưởng, đất đai, cơ sở kinh doanh... Nếu cam kết vốn rẻ thì DN cần được tiếp cận bằng cách thuận lợi hơn.

Về phía Nhà nước, nếu muốn giúp DN sẽ có nhiều cách. Đây cũng là dịp rà soát thuế, phí. Các vấn đề liên quan đến tham nhũng vặt, bất đối xứng thông tin chính sách, quy hoạch, tình trạng nhiêu khê... cần được loại bỏ ngay để DN lấy khí thế vươn lên.

Để đối phó với khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Việt Nam sử dụng các đòn bẩy tài chính, nhưng hệ quả là lạm phát, nợ xấu ngân hàng tăng mạnh. Năm 2022, sau 2 năm Việt Nam tăng trưởng thấp, nền kinh tế cần tăng trưởng cao để phục vụ mục tiêu lớn. Tuy nhiên, lo ngại về lạm phát, bong bóng tài sản, nợ xấu ngân hàng lại một lần nữa được chỉ ra. Bà nhìn nhận thế nào về vấn đề này?

Viêc đẩy mạnh nguồn vốn vào nền kinh tế trong năm 2022 có lẽ sẽ được rút kinh nghiệm từ giai đoạn 2008 đến 2012. Nới lỏng chính sách tài khóa và tiền tệ mất kiểm soát sẽ khiến lạm phát tăng làm cho tăng trưởng GDP trở nên vô nghĩa.

Có khá nhiều ý kiến, vậy đưa chính sách kích cầu năm 2022 vào đâu? Tôi cho rằng, đích cuối cùng là vốn phải vào DN sản xuất, vào hạ tầng và thương mại điện tử... đó là căn cơ.

Đổ vốn vào các lĩnh vực khác như BĐS, chứng khoán là không nên bởi hiệu quả thấp, rủi ro bong bóng tài sản rất lớn, dễ gây hệ lụy lớn cho kinh tế. Chỉ cần một bong bóng tài sản xì hơi sẽ khiến bao nhiêu công sức của chúng ta đổ sông, trôi biển.

Vừa qua, tôi nghe vụ đấu giá đất Thủ Thiêm hơn 2,4 tỷ đồng/m2. Thật sự đây là cú sốc, không vui vẻ gì. DN làm gì ra lợi nhuận, doanh thu để bù vào giá đất? Kỳ vọng giá của BĐS quá lớn, trong khi đó thuế tài sản được đưa ra bàn thảo, chưa được thông qua.

Nếu chúng ta không có chính sách đánh thuế tài sản, thị trường BĐS sẽ nóng thêm, tài sản vào nhà đất sẽ ngốn lượng vốn lớn và sự bất bình đẳng sẽ ngày càng gia tăng.

Quay trở lại với cải cách nền kinh tế, dưới tác động của Covid-19, chúng ta thấy rõ nền kinh tế chịu tổn thương. Muốn vực dậy được "nhuệ khí" DN, doanh nhân, tinh thần cải cách, đổi mới và phá bỏ rào cản cần thực hiện bằng gấp 5, gấp 10 để bù cho 2 năm qua. Bà nghĩ sao về vấn đề này?

Đại dịch Covid-19 đã kìm hãm tốc độ phát triển, cả bộ máy lo chống dịch nên các nhiệm vụ cải cách, tái cơ cấu bị chậm lại. Nên từ năm 2022, chúng ta phải làm bù, nỗ lực để đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Chúng ta nhận thấy, kết quả của cải cách DN nhà nước (NN) trong hai năm qua như cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại đều không đạt được. Số nợ DNNN vẫn còn lớn, chưa được khắc phục; việc giải quyết 12 đại dự án thua lỗ của ngành Công Thương vẫn chưa có tín hiệu tích cực.

Chính sách về DN nhỏ và vừa, DN tư nhân đã được đưa ra, nhưng đi vào thực tế vẫn chưa có đánh giá định lượng.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư