Ảnh Internet |
Dự án này vướng ở đâu và cần gì để có thể thúc đẩy tiến độ hướng đến mục tiêu hoàn thành vào năm 2020?
Một trong những nỗ lực mới nhất để phá thế bế tắc của dự án là Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận đã chủ động đề xuất “thay máu” nhà đầu tư tại DN này. Cụ thể, Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận đã kiến nghị Thủ tướng và Bộ GTVT chấp thuận nhà đầu tư mới thay cho Công ty Yên Khánh – DN có nhiều lãnh đạo, nhân sự bị khởi tố, đang bị điều tra.
Một nguồn tin từ Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận cho hay, nếu Công ty Yên Khánh không được thay thế bằng một nhà đầu tư có năng lực, ngân hàng sẽ không giải ngân, và như vậy Dự án sẽ đứng bên bờ vực đổ vỡ.
Nhà đầu tư được Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận chọn và đề xuất là Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả - doanh nghiệp được biết đến như nhà đầu tư chuyên đi “giải cứu” các dự án BOT.
Tuy đang chờ được Chính phủ phê duyệt, nhưng bước đi này cho thấy tín hiệu khá tích cực trong hành trình vận hành trở lại dự án “rùa bò” này.
Nhưng như vậy chưa đủ, để có thể thực hiện đúng tiến độ như cam kết của nhiều vị lãnh đạo trước Quốc hội và công luận: đưa dự án về đích vào năm 2020.
Theo tìm hiểu, hiện vẫn còn ít nhất 3 vướng mắc lớn phải được giải quyết nhằm thúc đẩy tiến độ tại Dự án.
Một là, năng lực triển khai dự án của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Hiện nay tại dự án này, Bộ Giao thông là cơ quan nhà nước có thẩm quyền do Tổng Công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng Cửu Long làm đại diện. Qua 10 năm triển khai Dự án, nhưng vẫn bị đình trệ có thể thấy việc để DN thuộc Bộ là đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền không thực sự phù hợp, cần chuyển về UBND tỉnh Tiền Giang. Việc chuyển Dự án về cho tỉnh làm cơ quan quản lý có thẩm quyền sẽ có nhiều lợi ích. Theo đó, tất cả trách nhiệm được thu về một đầu mối, có đầy đủ quyền lợi, nghĩa vụ và sát sườn nhất với dự án nhất. Bên cạnh đó Tỉnh sẽ có các công cụ triển khai dự án một cách quyết liệt và chủ động quản lý nguồn và giá cả vật liệu vốn đang rất phức tạp...
Một câu chuyện khác làm ảnh hưởng tiến độ Dự án cần tháo gỡ chính là quy định về lãi suất vay vốn. Hiện lãi suất áp vay vốn áp dụng cho dự án ở mức 7,82%/ năm. Trong khi đó Hợp đồng tín dụng đã ký lại ở mức 10,8%. Sự chênh lệch này dẫn đến việc không có khả năng thu hồi vốn nên không đảm bảo điều kiện để ngân hàng cho vay. Nhiều cơ quan liên quan đã có rất nhiều cuộc họp và chỉ đạo để tháo gỡ vướng mắc này, nhưng hiện nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng.
Trong giai đoạn hiện nay, cần cho phép các nhà đầu tư trong liên danh tự tăng cường bổ sung năng lực để tiếp tục thực hiện Dự án cho đến khi có kết quả kiểm toán do cơ quan Kiểm toán nhà nước thực hiện liên quan đến các bên tham gia vào Dự án.
Nói về việc kiểm toán Dự án, đại diện Tập đoàn Đèo Cả (đơn vị được mời tăng cường năng lực quản trị Dự án BOT Trung Lương – Mỹ Thuận) cho biết: “Rất nhiều Dự án sợ Kiểm toán, vì họ muốn phù phép, biến hóa, che dấu sự thật. Nhưng chúng tôi lại kiến nghị mời kiểm toán vào cuộc làm minh bạch để có thể triển khai dự án một cách hiệu quả cao nhất”.
“Chúng tôi đã tính cả đến phương án xin phép điều chỉnh lại tổng mức đầu tư để tiết kiệm nhất mà vẫn đạt chất lượng tốt, đồng thời cập nhật lại các thông số của phương án chính để không phải sử dụng trạm thu phí TP.HCM – Trung Lương và Ngân sách Nhà nước không phải bỏ ra gần 4.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho Dự án” –vị đại cho hay. Khi các bên thực sự tích cực vào cuộc không có lý gì dự án không được tháo gỡ nút thắt trong thời gian ngắn.