Ảnh minh họa: Internet |
Theo Dự thảo Báo cáo Tổng kết thực tiễn tiễn thi hành Luật Điện lực năm 2004 giai đoạn 2005 - 2020 cũng như Dự thảo Báo cáo Đánh giá tác động của chính sách Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực đang được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến cho thấy, việc thi hành Luật Điện lực (được sửa đổi, bổ sung năm 2012 và năm 2018) và các văn bản hướng dẫn trong hơn 15 năm qua đã đạt được một số kết quả tích cực.
Tuy vậy, Luật Điện lực được ban hành đã lâu (năm 2004) và đã qua 2 lần sửa đổi, bổ sung một số điều, song nội dung sửa đổi bổ sung không nhiều, do đó, cần tổng kết và đánh giá tổng thể các quy định tại Luật Điện lực so với sự phát triển thực tế của ngành năng lượng trong thời gian gần đây, đảm bảo việc nghiên cứu đề xuất chính sách sửa đổi quy định tại Luật Điện lực phù hợp với thực tiễn hiện nay. Hơn nữa, trong thực tiễn thi hành hiện nay còn tồn tại một số vấn đề mà các quy định tại Luật Điện lực hiện hành chưa đáp ứng được và cần thiết phải được sửa đổi, bổ sung...
Từ thực tiễn đó, Bộ Công Thương đề nghị cần được bổ sung Luật Điện lực nhằm hoàn thiện quy định pháp luật trong nước, phù hợp với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về đổi mới cơ chế, chính sách, phát triển thị trường năng lượng đồng bộ, liên thông, hiện đại và hiệu quả, phù hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa; luật hóa định hướng chủ trương, chính sách của Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 140/NQ-CP của Chính phủ.
Bên cạnh đó, đáp ứng yêu cầu về sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật và yêu cầu mới phát sinh trong thực tiễn, khắc phục những bất cập của cơ chế chính sách để có hệ thống cơ chế, chính sách đầy đủ, thúc đẩy phát triển ngành điện đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng điện của nhân dân và sự phát triển kinh tế - xã hội...