Đề nghị truy tố nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Đồng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Công an tỉnh Hòa Bình vừa hoàn tất kết luận điều tra bổ sung, đề nghị truy tố ông Nguyễn Đồng, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo, nguyên Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Hòa Bình và 7 đồng phạm với cáo buộc lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong quá trình thực hiện dự án, đấu thầu.
Nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hoà Bình Nguyễn Đồng
Nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hoà Bình Nguyễn Đồng

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình vừa hoàn tất kết luận điều tra bổ sung, đề nghị truy tố các bị can Nguyễn Đồng (nguyên Trưởng ban Tuyên giáo, nguyên Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Hòa Bình), Đỗ Hữu Tiệp (cựu Trưởng phòng Quản trị, Văn phòng Tỉnh ủy Hòa Bình), Trần Mạnh Cường (Chủ tịch HĐQT Công ty PTC) và 5 bị can khác về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo Khoản 3 Điều 356 Bộ luật Hình sự.

Theo nội dung kết luận điều tra, tháng 7/2015, bị can Nguyễn Đồng nhận nhiệm vụ Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Hòa Bình, trực tiếp chỉ đạo Dự án Xây dựng hệ thống hội nghị trực tuyến của Tỉnh ủy Hòa Bình.

Tháng 2/2016, Dự án được UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt chủ trương và nguồn vốn đầu tư. Lúc này, ông Đồng đã giao cho ông Tiệp làm Tổ trưởng tổ giúp việc Dự án. Đồng thời, ông Tiệp chịu trách nhiệm trước Chủ đầu tư kể từ giai đoạn chuẩn bị, thực hiện Dự án tới nghiệm thu, bàn giao đưa công trình vào khai thác, sử dụng.

Sau khi nhận nhiệm vụ được phân công, ông Tiệp liên hệ ông Trần Mạnh Cường - Chủ tịch Công ty PTC và nhân viên để tìm kiếm đơn vị cung cấp thiết bị cho Dự án. Sau khi nhận được câu trả lời đồng ý, bị can Tiệp đã dự tính rút ruột ngân sách nhà nước bằng cách nâng giá thiết bị lên khoảng 30%.

Cơ quan điều tra xác định, thời điểm đó, Công ty T&T do ông Tiệp sở hữu chưa đủ năng lực. Đồng thời, ông Tiệp không muốn điều tiếng là có đơn vị “sân sau” trúng thầu tại Dự án, nên đã bàn bạc mượn pháp nhân Công ty P&T do Đặng Việt Cường làm Giám đốc tham gia dự thầu và hứa hẹn sẽ dàn xếp để công ty này trúng thầu.

Sau đó, các bị can thống nhất cách thức cung cấp thiết bị để hưởng lợi từ Dự án. Cụ thể, Công ty PTC ký hợp đồng bán 23 thiết bị theo giá thị trường cho Công ty T&T. Công ty T&T mua thêm 11 thiết bị khác và bán lại cho Công ty P&T. Sau quá trình mua bán lòng vòng, Công ty P&T đã nâng giá ký hợp đồng cung cấp thiết bị cho Chủ đầu tư là Văn phòng Tỉnh ủy Hòa Bình.

Sau khi nhận được chứng thư thẩm định giá vào tháng 9/2016, Đỗ Hữu Tiệp đã đề xuất UBND tỉnh Hòa Bình xem xét, phê duyệt thiết kế thi công và tổng dự toán Dự án với tổng mức đầu tư là hơn 16,8 tỷ đồng. Cụ thể, chi phí thiết bị là 15,67 tỷ đồng, còn lại là chi phí quản lý dự án, tư vấn xây dựng và các chi phí khác.

Đến năm 2018, bị can Tiệp tiếp tục được giao thực hiện Dự án bổ sung 1 camera và các thiết bị hội nghị trực tuyến cho điểm cầu trung tâm Tỉnh ủy Hòa Bình. Nhận thấy miếng mồi béo bở, Tiệp và Đồng đã tìm cách để hợp thức hóa hồ sơ, thủ tục xin phê duyệt dự toán và đấu thầu.

Sau đó, ông Đồng được Tiệp tham mưu lựa chọn Công ty BTCVALUE thẩm định giá thiết bị bổ sung. Tháng 11/2018, bị can Tiệp ký quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Công ty P&T, giá trúng thầu hơn 779 triệu đồng.

Theo kết luận điều tra, cơ quan chức năng xác định, hành vi thông đồng nhằm nâng giá thiết bị của nhóm bị can đã gây thiệt hại cho Nhà nước tổng số tiền hơn 6,2 tỷ đồng. Trong đó, bị can Tiệp chiếm hưởng khoảng 3 tỷ đồng.

Theo cơ quan chức năng, Tiệp có vai trò chủ mưu, chỉ huy thực hiện trong vụ án, nên phải chịu trách nhiệm chính đối với toàn bộ hậu quả. Còn ông Đồng, trong quá trình thực hiện dự án, vì vụ lợi nên đã không làm, làm không đúng quy định pháp luật, dẫn tới thiệt hại số tiền hơn 6,2 tỷ đồng.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư