Đề nghị rà soát, tính toán kỹ lưỡng tính khả thi Dự án Hồ chứa nước Ka Pét

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tán thành với sự cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét như Chính phủ đề xuất, song cơ quan thẩm tra - Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị Chính phủ, UBND tỉnh Bình Thuận cần rà soát, tính toán kỹ lưỡng các khoản mục chi phí để bảo đảm tính khả thi khi thực hiện Dự án.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình của Chính phủ về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án (ảnh: QH)
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình của Chính phủ về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án (ảnh: QH)

Chiều 22/5, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

Theo Tờ trình, Chính phủ đề nghị Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án; cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2016 đến hết ngày 31/12/2023. Đồng thời, giao Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt Dự án. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư Dự án được thực hiện tương tự như đối với dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Đề cập về sự cần thiết phải điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, Dự án đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 93/2019/QH14 ngày 26/11/2019 với tổng mức đầu tư là 585,647 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai lập Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án có sự thay đổi về đơn giá nhân công, máy móc thiết bị, giá nguyên, nhiên, vật liệu, đặc biệt chính sách đền bù giải phóng mặt bằng nên tổng mức đầu tư Dự án tăng so với tổng mức đầu tư sơ bộ đã được Quốc hội phê duyệt tại Nghị Quyết số 93/2019/QH14 ngày 26/11/2019.

“Xét thấy việc điều chỉnh tổng mức đầu tư là do nguyên nhân khách quan và để có đủ điều kiện triển khai thực hiện Dự án phát huy hiệu quả đầu tư”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Tại Tờ trình, Chính phủ đề xuất điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư của Dự án. Tổng mức đầu tư sau điều chỉnh 874,089 tỷ đồng (tăng 288,442 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư ban đầu được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 93/2019/QH14 ngày 26/11/2019). Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư; chi phí xây dựng; chi phí xây dựng, chi phí trồng rừng... sau khi được cập nhật, tính toán lại theo quy định đều tăng.

Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 93/2019/QH14 ngày 26/11/2019 với thời gian thực hiện từ năm 2019 - 2024.

Mục tiêu đầu tư Dự án nhằm cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp; cấp nước thô cho khu công nghiệp và sinh hoạt của người dân; phòng, chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận.

Theo Chính phủ, đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án căn cứ vào quy định của pháp luật liên quan, trong đó có: Luật Đầu tư công; Luật Đất đai; Luật Xây dựng; Luật Lâm nghiệp... và các hướng dẫn liên quan.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu rõ, Ủy ban cơ bản tán thành sự cần thiết phải điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án với các lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ để Dự án sớm được triển khai, đi vào hoạt động.

Song cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ, UBND tỉnh Bình Thuận cần rà soát, tính toán kỹ lưỡng các khoản mục chi phí để bảo đảm tính khả thi khi thực hiện Dự án và chịu trách nhiệm toàn diện về căn cứ, phương pháp xác định, tính chính xác của các số liệu trong nội dung cấu thành chi phí, sơ bộ tổng mức đầu tư điều chỉnh theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, đánh giá thêm các nguyên nhân chủ quan dẫn đến việc thay đổi các giải pháp kỹ thuật so với thiết kế ban đầu, chậm hoàn thiện các thủ tục trình phê duyệt Dự án, dẫn đến chậm tiến độ, qua đó rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện Dự án sau này.

Đối với đề xuất kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn dự phòng của Dự án, cơ quan thẩm tra cho biết, đa số ý kiến Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thống nhất với đề xuất của Chính phủ báo cáo Quốc hội về việc cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2016 của Dự án đến hết ngày 31/12/2023.

Bên cạnh đó, Ủy ban Khoa học,Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng tán thành đề nghị báo cáo Quốc hội cho phép điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án đến hết năm 2025.

“Nếu được Quốc hội chấp thuận cho gia hạn, thời gian còn lại để triển khai Dự án không nhiều, do đó đề nghị Chính phủ, UBND tỉnh Bình Thuận cần khẩn trương, tập trung chỉ đạo phân công, phối hợp triển khai thực hiện, hoàn thành đúng tiến độ điều chỉnh”, cơ quan thẩm tra đề nghị.

Chuyên đề