Hạ tầng điện, nước chiếm khoảng 2 - 3% chi phí đầu tư của dự án bất động sản. Ảnh: Lê Tiên |
“Cốc mò, cò xơi”
Theo tính toán, số tiền mà các DN BĐS đã phải đầu tư để xây dựng toàn bộ hệ thống lưới điện trung thế, trạm biến thế, lưới điện hạ thế; hệ thống đường ống cấp nước sạch đến đồng hồ căn hộ là khá lớn, khoảng 2 - 3% chi phí đầu tư của dự án. Điều đáng nói là, tiền đầu tư thì do DN BĐS bỏ ra, sau đó được phân bổ vào giá bán mà người tiêu dùng phải gánh chịu khi mua nhà, còn công ty điện lực và cấp nước không chi đồng xu cắc bạc nào, nhưng sau đó lại tiếp quản toàn bộ rồi bán điện, nước cho dân và thu tiền.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho biết, đây là điều bất hợp lý. Công ty điện lực và cấp nước cũng là DN nên phải đầu tư hệ thống lưới điện, đường ống nước đến đồng hồ căn hộ để bán điện, bán nước cho người tiêu dùng.
Phản ứng của các DN BĐS ở TP.HCM là hoàn toàn có lý, vì các DN hoạt động trên lĩnh vực thông tin, truyền thông... từ nhiều năm qua đã tự bỏ chi phí đầu tư hạ tầng để cung ứng dịch vụ cho khách hàng tại các dự án nhà ở. Nếu các công ty điện lực và cấp nước đầu tư toàn bộ hệ thống cấp điện, cấp nước thì sẽ góp phần làm giảm giá thành nhà ở, có lợi cho người tiêu dùng, và mới tạo sự bình đẳng giữa các DN BĐS và các DN cung cấp điện, nước.
“Chúng tôi phải làm tất tần tật từ A đến Z, tốn kém và khổ ải vô cùng vì những thủ tục rất nhiêu khê, rồi bàn giao cho các “ông lớn” này sở hữu, quản lý vận hành, kinh doanh. Làm thế, chẳng khác nào “cốc mò cò xơi”, nhưng nếu chúng tôi không cắn răng lại mà làm thì dự án coi như bị tê liệt vì không có điện, nước” - một chủ đầu tư bất bình cho biết.
Khó tìm được tiếng nói chung
Thế nhưng, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, lập luận này chưa chuẩn vì công ty điện lực hoạt động trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ điện phải tuân thủ theo Luật Điện lực 2004. Cụ thể, tại Khoản 3 Điều 11 quy định: "Đơn vị phát điện, truyền tải điện, phân phối điện có trách nhiệm đầu tư xây dựng trạm điện, công tơ và đường dây dẫn điện đến công tơ để bán điện". Tương tự, tại Khoản 2.c Điều 41 nêu rõ: "Đầu tư công tơ và đường dây dẫn điện đến công tơ cho bên mua điện, trừ trường hợp có thỏa thuận khác bảo đảm quyền lợi giữa các bên nhưng không trái với quy định của pháp luật với bên mua điện".
“Tổng công ty Điện lực TP.HCM nói rằng, trước khi ban hành quy định về tiếp nhận tài sản cố định công trình điện, đã tổ chức hội thảo vào ngày 2/10/2015 để lấy ý kiến góp ý của các DN, trong đó có DN BĐS, nhưng trên thực tế, HoREA đã không được mời tham dự cuộc họp này”, ông Châu nhấn mạnh.
Vẫn theo ông Châu, riêng đối với ngành cấp nước, việc bán nước qua đồng hồ tổng của chung cư và các hộ dân chịu chi phí thất thoát nước như hiện nay là không còn phù hợp. Vì vậy, công ty cấp nước cần thực hiện cơ chế kinh doanh như ở các nước trên thế giới, để người sử dụng không phải chịu chi phí thất thoát nước và phải trả giá cao hơn giá quy định của Thành phố do phải qua đồng hồ tổng như hiện nay.