Để hàng mẫu không là rào cản đối với nhà thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ghi nhận của phóng viên Báo Đấu thầu cho thấy, thời gian qua nhiều nhà thầu bị loại oan uổng do vướng yêu cầu hàng mẫu. Thực tế, việc yêu cầu hàng mẫu với hàng hóa thông dụng đang bị lạm dụng, cùng với tình trạng không tạo điều kiện cho nhà thầu nộp hàng mẫu, đánh giá hàng mẫu thiếu chính xác, khách quan… đã khiến tiêu chí này đang dần trở thành rào cản rất lớn, làm giảm tính cạnh tranh, hiệu quả trong đấu thầu.
Nhiều loại sản phẩm như bàn ghế học sinh, máy tính, đồ chơi, tranh ảnh, thiết bị âm thanh… đã bị biến thành hàng hóa không thông dụng để cài yêu cầu hàng mẫu. Ảnh: Nhã Chi
Nhiều loại sản phẩm như bàn ghế học sinh, máy tính, đồ chơi, tranh ảnh, thiết bị âm thanh… đã bị biến thành hàng hóa không thông dụng để cài yêu cầu hàng mẫu. Ảnh: Nhã Chi

Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị đấu thầu của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Đồng Tháp vừa có văn bản giải quyết kiến nghị của nhà thầu liên quan đến Gói thầu Mua ảnh Bác Hồ do Ban Quản lý dự án đầu tư và Phát triển quỹ đất huyện Lấp Vò làm chủ đầu tư (CĐT), trực tiếp mời thầu.

Gói thầu trước đó đã bị một nhà thầu kiến nghị liên quan đến hàng mẫu. Theo Nhà thầu, hồ sơ mời thầu (HSMT) không có quy định nhà thầu phải cung cấp hàng mẫu bản cứng trực tiếp cho bên mời thầu (BMT) trong vòng 72 giờ. Sau thời điểm đóng thầu, Nhà thầu đã tiến hành làm rõ các tài liệu của hồ sơ dự thầu (HSDT) theo yêu cầu của BMT. Trong yêu cầu làm rõ của BMT có đề nghị Nhà thầu cung cấp hàng mẫu trực tiếp trong 72 giờ. Nhà thầu cho biết đã cung cấp hàng mẫu bằng ảnh và video khi nộp HSDT. Tuy nhiên, BMT không chấp nhận vì lý do: sản phẩm của Gói thầu là tranh, ảnh mỹ thuật, không phải sản phẩm có sẵn trên thị trường nên phải trực tiếp nhận để kiểm tra, đối chiếu kích thước, vật liệu, màu sắc. Sau đó, Nhà thầu có văn bản xin gia hạn và gửi trễ hơn so với thời gian yêu cầu (hơn 3 ngày). Do đó, BMT đã không tiếp nhận hàng mẫu của Nhà thầu.

Bức xúc vì dù nộp hàng mẫu trong thời gian đánh giá HSDT vẫn không được tiếp nhận, dẫn tới HSDT bị đánh giá không đáp ứng, Nhà thầu có văn bản gửi Sở KH&ĐT Đồng Tháp và đề nghị thành lập hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị.

Theo Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị đấu thầu, hàng hóa mua sắm của Gói thầu là loại thông dụng trên thị trường. Việc HSMT yêu cầu cung cấp hàng mẫu để đối chiếu có thể làm hạn chế sự tham gia của nhà thầu, chưa phù hợp với Khoản 2 Điều 12 Nghị định 63/2014/NĐ-CP và Mục 5 Phần I Chỉ thị số 47/CT-TTg. Đồng thời, BMT xây dựng tiêu chí cung cấp hàng mẫu trong vòng 72 giờ là chưa khoa học, khách quan.

Đánh giá của Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị đấu thầu thuộc Sở KH&ĐT Đồng Tháp đã thẳng thắn nhìn nhận thực tế: “Hàng hóa thông dụng bị lạm dụng yêu cầu hàng mẫu. Nhiều BMT luôn coi hàng hóa đang mời thầu là thiết kế riêng, không có sẵn để bắt nhà thầu cung cấp hàng mẫu”.

Câu chuyện tương tự cũng đang xảy ra tại nhiều gói thầu thiết bị trường học. Bàn ghế học sinh, máy tính, máy vi tính, đồ chơi mầm non, tranh ảnh, thiết bị âm thanh… bị yêu cầu nộp hàng mẫu. Tại huyện Tân Trụ (Long An), gói thầu trị giá 1,4 tỷ đồng nhưng với các mặt hàng thiết bị trường học đã khiến nhà thầu tốn gần 10 bộ hàng mẫu khi dự thầu.

Ngay cả khi các nhà thầu chấp nhận bỏ nhiều chi phí để chuẩn bị hàng mẫu, lại bị làm khó đủ bề sau khi nộp. Tại TP.HCM, nhiều nhà thầu “khóc ròng” do BMT yêu cầu thời điểm nộp hàng mẫu rất éo le, đúng vào giờ hạn chế xe tải. Thời gian yêu cầu nộp hàng mẫu thì rất ngắn, nhà thầu nộp trễ (dù đang trong thời gian đánh giá HSDT) và bị BMT kiên quyết từ chối, không tiếp nhận, hoàn trả cho nhà thầu.

Theo chuyên gia đấu thầu Phạm Minh Yến, khi yêu cầu nộp hàng mẫu, BMT phải xác định rõ sử dụng để đánh giá về năng lực, kinh nghiệm hay đề xuất kỹ thuật, từ đó mới có những đánh giá phù hợp. Thực tế, nhiều BMT xếp hàng mẫu vào đề xuất kỹ thuật nhưng lại yêu cầu nộp sau thời điểm đóng thầu dẫn tới bức xúc từ nhà thầu. Hàng mẫu là tài sản, công sức rất lớn của nhà thầu và việc từ chối hàng mẫu, dù xét ở góc độ nào cũng làm méo mó mục tiêu của hoạt động đấu thầu.

Một số chuyên gia đấu thầu còn cho biết, ngoài việc chấn chỉnh tình trạng tùy tiện yêu cầu hàng mẫu khi mời thầu, để bảo đảm tính hiệu quả, cạnh tranh, cần tăng cường chất lượng khâu đánh giá hàng mẫu. “Nhiều nhà thầu bất bình do bị đánh giá hàng mẫu không khách quan, thiếu kiểm chứng dẫn tới kiến nghị phức tạp. Câu chuyện đã từng xảy ra tại Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Long khi loại 8/9 nhà thầu vì hàng mẫu. Làm tốt hai điều này, hàng mẫu mới không còn là rào cản đối với các nhà thầu.

Chuyên đề