Để doanh nghiệp tư nhân không sợ lớn!

(BĐT) - Việt Nam đang hướng tới kết quả tăng trưởng ấn tượng trong năm 2019 trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực có nhiều biến động. Đóng góp vào thành công đó là lực lượng doanh nghiệp (DN) tiên phong cùng đội ngũ doanh nhân đông đảo.
Khu vực tư nhân Việt Nam hiện có rất nhiều triệu phú, tỷ phú USD. Ảnh: Lê Tiên
Khu vực tư nhân Việt Nam hiện có rất nhiều triệu phú, tỷ phú USD. Ảnh: Lê Tiên

Hành lang pháp lý đủ thoáng đã tạo điều kiện cho 740 nghìn DN làm ăn, kinh doanh minh bạch, trong đó có tới gần 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Trong thời kỳ mới, hành lang pháp lý đó cần những gì để Việt Nam có nhiều doanh nhân thành đạt, nhiều triệu phú, tỷ phú USD hơn nữa?

Sứ mệnh của một đạo luật

Luật DN năm 1999 được Quốc hội thông qua ngày 12/6/1999, thay thế Luật Công ty và Luật DN tư nhân (năm 1990), chính thức đi vào thực hiện từ năm 2000, mang lại nhiều thuận lợi lớn cho các doanh nghiệp tư nhân (DNTN).

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - người trực tiếp thiết kế Luật DN - khi đó vừa tốt nghiệp cao học ở Anh. Ông cũng là một trong số 37 cán bộ đầu tiên của Việt Nam được gửi đi các nước phương Tây theo học bổng của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP). Ông Cung cho rằng, Luật DN có thể nói đã hoàn thành sứ mệnh phát triển, mở rộng quyền tự do kinh doanh. Ở một mức độ nào đó, Luật DN đã tạo sự an toàn cho hoạt động kinh doanh, tạo ra các loại hình pháp lý của tổ chức kinh doanh. 3 sứ mệnh của Luật DN là tạo ra loại hình pháp lý tổ chức kinh doanh đầy đủ ở Việt Nam theo thông lệ quốc tế; phát triển, đảm bảo về căn bản quyền tự do kinh doanh; đảm bảo mức độ an toàn nhất định cho hoạt động này.

“Theo Luật Công ty và Luật DN tư nhân năm 1990, DN chỉ được kinh doanh những ngành, nghề mà cơ quan nhà nước cho phép; đến Luật DN năm 1999, cá nhân, DN được quyền kinh doanh những gì luật pháp không cấm; đến Luật DN năm 2014, DN được quyền tự do kinh doanh những ngành, nghề mà luật không cấm…, kèm theo đó là mức độ an toàn của hoạt động kinh doanh”, ông Cung chỉ ra các triết lý của mỗi lần sửa Luật DN. Riêng lần sửa đổi năm 2005 là xuất phát từ yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế nhằm thống nhất một luật, tạo sân chơi bình đẳng.

Đặc biệt, bên cạnh việc hoàn thiện khung khổ pháp lý thúc đẩy khối DNTN phát triển, theo ông Cung, sau 20 năm thực thi, Luật DN đã tạo nên một cộng đồng DNTN Việt Nam đông đảo so với trước đó. Theo các số liệu thống kê, hiện cả nước có hơn 740 nghìn DN đang hoạt động, trong đó, gần 98% là DN nhỏ và vừa, hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng đông đảo, tạo công ăn việc làm và đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước. “Chắc chắn sự đóng góp của họ chưa được tính đúng, tính đủ vào sự phát triển của đất nước”, ông Cung đánh giá. 

Để đất nước có thêm nhiều triệu phú, tỷ phú USD

Để giúp các DN muốn lớn là lớn được, mức độ an toàn trong hoạt động kinh doanh cần phải được đẩy lên một bước cao hơn nữa. Đó là, ngoài việc tạo sự an toàn cho DN trong hoạt động kinh doanh, còn phải tạo sự an toàn trong bảo vệ tài sản của DN. Bên cạnh đó, chính sách pháp luật phải được thực thi hiệu quả, có tính tiên liệu được; hệ thống công chức phải “có tâm” vì DN…
Theo các chuyên gia kinh tế, việc hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân tại Việt Nam khá đa dạng, một số đi lên từ bất động sản nhờ vào tích lũy vốn từ đất đai; số khác khởi nghiệp bằng kinh doanh thương mại, mở các cửa hàng bán buôn, bán lẻ ở trong nước và xuất nhập khẩu; không ít DN nhờ vào tích lũy vốn từ kinh doanh ở nước ngoài… Đến nay, khu vực tư nhân Việt Nam có rất nhiều triệu phú, tỷ phú USD.

GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài - dẫn chiếu một tập đoàn kinh tế đi lên từ quy mô rất nhỏ, đó là Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả. Từ Hợp tác xã xây dựng, xây lắp điện Hải Thạch (ra đời năm 1985) phát triển thành Công ty CP Hải Thạch, rồi góp vốn vào Công ty CP Tập đoàn Xây dựng cầu đường Sài Gòn (SBRC). Tháng 5/2018, SBRC đổi tên thành Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả, có đủ năng lực thi công các công trình đường, hầm lớn đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao và công nghệ hiện đại như hầm Đèo Cả (dài 4.125 m), hầm Cổ Mã (dài 500 m), hầm đường bộ qua Đèo Hải Vân 2, hầm Cù Mông... Khẳng định năng lực của một DN xây dựng hàng đầu với kinh nghiệm và tài chính vững mạnh, mới đây, Tập đoàn Đèo Cả đã tổ chức thông xe cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn (đoạn tuyến Bắc Giang - Chi Lăng) dài 64 km với thời gian thi công kỷ lục: 2 năm.

Trong khi đó, Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco) là điển hình của quá trình phát triển từ một công ty công nghiệp quy mô nhỏ thành một tập đoàn hàng đầu trong ngành chế tạo. Thaco hiện hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp, phân phối, cung ứng dịch vụ bảo trì, sửa chữa và phụ tùng ô tô gồm xe thương mại (xe tải và xe bus); xe du lịch các thương hiệu Kia (Hàn Quốc), Mazda (Nhật Bản), Peugeot (Pháp), BMW (Đức) với tỷ lệ nội địa hóa 16 - 50%. Năm 2014 và 2015, Thaco là doanh nghiệp đứng đầu bảng xếp hạng của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA).

Tập đoàn Vingroup do ông Phạm Nhật Vượng đứng đầu, ngoài việc đầu tư, kinh doanh trong các lĩnh vực như bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng…, đã đầu tư vào các ngành sản xuất, tạo giá trị gia tăng như nông nghiệp, sản xuất ô tô, xe máy, smartphone...

Trên thực tế, còn rất nhiều CEO khác của khu vực kinh tế tư nhân đang thầm lặng tạo công ăn việc làm cho người lao động, đưa sản phẩm hàng hóa Việt đến với thế giới…

Ghi nhận đóng góp tích cực của khu vực kinh tế tư nhân trong phát triển kinh tế đất nước, ông Nguyễn Đình Cung khẳng định: “Đội ngũ doanh nhân Việt Nam, nhất là đội ngũ CEO của các DNTN lớn hiện nay, đều là những doanh nhân có tài, nhạy bén trong kinh doanh”. Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, điều băn khoăn là, dưới con mắt của một số người thì phần lớn các tỷ phú, triệu phú Việt Nam “lớn lên” được chủ yếu là nhờ “thân hữu”, “chiếm hữu tài sản”… chứ không phải nhờ tài năng. “Đây là điều rất đáng suy nghĩ”, nguyên Viện trưởng CIEM trăn trở. Bởi thế, ông cho rằng, hình ảnh đội ngũ doanh nhân này cần phải được thay đổi. Các CEO phải khẳng định họ thực sự “lớn lên” bằng tài năng với hoạt động kinh doanh cạnh tranh, công bằng và bình đẳng.

Vậy thay đổi hình ảnh này bằng cách nào? Việc sửa Luật DN lần này có đủ sức để Việt Nam xây dựng được đội ngũ doanh nhân hùng hậu, thay đổi hình ảnh về các CEO tư nhân hiện nay? TS. Cung cho rằng, 2 nút thắt căn bản đang cản trở sự phát triển của DNTN cần được giải quyết. Đó là nút thắt DNTN sợ lớn và DNTN muốn lớn nhưng không lớn được. “Đây là 2 vấn đề của hệ thống thể chế kinh doanh cần được xử lý. Và chỉ khi nào nút thắt cản trở sự phát triển của khu vực DNTN này được tháo gỡ, khi đó, lực lượng CEO tư nhân mới thực sự hùng hậu, lớn mạnh”, ông Cung nhấn mạnh.

Đề xuất hướng tháo gỡ nút thắt giúp các DN muốn lớn là lớn được, vị chuyên gia này cho rằng, mức độ an toàn trong hoạt động kinh doanh cần phải được đẩy lên một bước cao hơn nữa. Đó là, ngoài việc tạo sự an toàn cho DN trong hoạt động kinh doanh, còn phải tạo sự an toàn trong bảo vệ tài sản của DN. Bên cạnh đó, chính sách pháp luật phải được thực thi hiệu quả, có tính tiên liệu được; hệ thống công chức phải “có tâm” vì DN…

Đối với việc làm mới hình ảnh các CEO, ông Cung cho rằng, các CEO của DNTN cần thay đổi hình ảnh của mình, khẳng định mình trong hoạt động kinh doanh bằng tài năng, năng lực thực thụ. Hơn nữa, các DNTN lớn cần tăng cường kết nối cộng đồng DN nhiều hơn. “Muốn kết nối nhiều hơn, thì họ cần dẫn dắt nhiều hơn trong việc thay đổi triết lý kinh doanh và làm nhiều việc khác. Thực tế có thể họ đã làm, nhưng vẫn cần thay đổi nhiều hơn”, ông Cung nói.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư