Hiện có tới 50% loại hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành nhưng chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn. Ảnh: Lê Tiên |
Tổng cục Hải quan cho biết, thời gian qua, các bộ, ngành chức năng có nhiều nỗ lực trong cải thiện công tác quản lý, KTCN đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; song thực tế, hoạt động này vẫn còn nhiều hạn chế, gây khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp và kéo dài thời gian thông quan hàng hóa.
Theo ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, công tác KTCN đang tù mù. Hiện có tới 50% loại hàng hóa thuộc diện phải KTCN nhưng chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Một số bộ chưa đưa ra được tiêu chuẩn cho nhiều mặt hàng do mình quản lý bởi các trung tâm, phòng thí nghiệm, giám định của bộ không đủ điều kiện về máy móc, thiết bị phục vụ cho công tác kiểm tra. Nhiều mặt hàng nhập khẩu về phải chờ 3 -5 ngày, thậm chí 21 ngày mới có kết quả KTCN do phải mang mẫu đi giám định tại các trung tâm giám định đặt ở Hà Nội, TP.HCM. Nhiều hàng hóa nhập về từ các nước tiên tiến, được cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng ở các nước xuất khẩu nhưng khi về Việt Nam vẫn bị kiểm tra chất lượng.
Trước thực trạng hiện nay, theo ông Cẩn, nếu không khẩn trương thực hiện Đề án và có những bước đi mang tính đột phá sẽ rất khó cải thiện những bất cập trên, đặc biệt là tình trạng một mặt hàng chịu sự quản lý, kiểm tra của nhiều bộ, ngành. "Do đó, quan điểm về KTCN của cơ quan hải quan là không để doanh nghiệp phải chạy vòng quanh như hiện nay”, ông Cẩn cho biết.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá mô hình hiện nay và kinh nghiệm của quốc tế, Dự thảo Đề án đưa ra mô hình mới cho công tác KTCN.
Theo đó, các bộ, ngành là cơ quan quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải kiểm tra chất lượng kèm quy chuẩn kỹ thuật tương ứng làm cơ sở kiểm tra; thực hiện kiểm tra chất lượng đối với hàng hóa xuất nhập khẩu sau thông quan.
Cơ quan hải quan là đầu mối KTCN đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại cửa khẩu (trừ những hàng hóa đặc thù như mặt hàng liên quan đến an ninh, quốc phòng, kiểm dịch).
Doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng đối với hàng hóa do mình xuất khẩu, nhập khẩu phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
Các tổ chức đánh giá sự phù hợp theo chỉ định của các bộ quản lý chuyên ngành tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đánh giá sự phù hợp, cấp giấy chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy để làm cơ sở cho cơ quan hải quan thông quan hàng hóa.
Ông Cẩn cho biết, cơ quan hải quan đang xúc tiến tăng cường đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát hải quan, nhất là các hệ thống máy soi container hiện đại của Hoa Kỳ. Các hệ thống máy soi này không chỉ đưa ra hình ảnh mà còn cho ra nhiều dữ liệu về các chất cấu tạo trong sản phẩm với thời gian nhanh chóng, giúp thông quan nhanh và đảm bảo yêu cầu quản lý.
Tổng cục Hải quan cũng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét sớm cấp xác nhận cho các cơ sở kiểm định của ngành hải quan đủ điều kiện được thực hiện nhiệm vụ của tổ chức giám định, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng trang thiết bị đã được đầu tư.