Để cổ phần hóa, thoái vốn DNNN không còn lỡ hẹn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều doanh nghiệp phải hoàn thành tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước chậm nhất là năm 2025. Điều này có thể mở ra cơ hội tốt cho các nhà đầu tư, đồng thời, thúc đẩy quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại những doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, để hoàn thành kế hoạch đặt ra, cần đẩy nhanh việc sửa đổi các văn bản pháp lý, tháo gỡ ách tắc về cơ chế đất đai, định giá doanh nghiệp.
Tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp ách tắc những năm gần đây chủ yếu là do vướng mắc về cơ chế định giá doanh nghiệp, tỷ lệ sở hữu cổ phần tư nhân. Ảnh: Lê Tiên
Tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp ách tắc những năm gần đây chủ yếu là do vướng mắc về cơ chế định giá doanh nghiệp, tỷ lệ sở hữu cổ phần tư nhân. Ảnh: Lê Tiên

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 1479/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), DN có vốn nhà nước giai đoạn 2022 - 2025.

Theo đó, kế hoạch sắp xếp lại DNNN được thực hiện theo 4 hình thức. Cụ thể: 195 DN duy trì công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; 141 DN (hiện Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ) thực hiện cổ phần hóa, sáp nhập, giải thể; 126 doanh nghiệp đã cổ phần hóa được giữ nguyên tỷ lệ vốn nhà nước đang nắm giữ đến năm 2025; 21 DNNN, DN có vốn nhà nước thực hiệp sắp xếp theo phương án riêng.

Trong lĩnh vực ngân hàng, Agribank thuộc danh mục phải cổ phần hóa trong giai đoạn 2022 - 2025 với tỷ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữ còn 65%, VietinBank giữ nguyên tỷ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữ 64,46%, BIDV và Vietcombank thực hiện theo Đề án “Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025” và “Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Hiện tỷ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữ tại BIDV và Vietcombank lần lượt ở mức 80,9% và 74,8%.

Một số DNNN trong lĩnh vực hạ tầng có tỷ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữ vẫn ở mức chi phối như: Công ty TNHH MTV Cảng Vũng Rô, Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Chu Lai, Công ty TNHH MTV Thoát nước và Phát triển hạ tầng đô thị Thái Nguyên, dự kiến Nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 65% sau cổ phần hóa.

Một số DN có kế hoạch thoái hết vốn nhà nước từ nhiều năm trước nhưng chưa thực hiện được sẽ phải hoàn thành trong thời gian tới. Đó là: Tổng công ty Viglacera phải thoái hết 38,58% cổ phần trong năm 2022 - 2023; Công ty CP Giầy Thượng Đình phải thoái hết 68,66% cổ phần trong giai đoạn 2024 - 2025; Công ty CP Dệt 19/5 phải thoái hết 32% cổ phần trong giai đoạn 2024 - 2025…

Theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư Maybank Investment Bank, việc cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại DN trong năm nay sẽ không có nhiều sức hấp dẫn, bởi trên thị trường chứng khoán, nhiều cổ phiếu đã về mức giá rất tốt nhưng nhà đầu tư không có tiền để mua. “Trong giai đoạn 2023 - 2025, triển vọng cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại DN phụ thuộc nhiều vào diễn biến kinh tế vĩ mô, các chính sách tài chính - tiền tệ trong nước và trên thế giới. Nếu thuận lợi, nhiều nhà đầu tư sẽ muốn tham gia, song xét riêng từng lĩnh vực, ngân hàng vẫn là ngành thu hút sự quan tâm nhiều nhất”, ông Khánh nhận định.

Ông Trương Quang Bình, Phó Giám đốc nghiên cứu Khối Khách hàng tổ chức thuộc Công ty TNHH Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, ngân hàng vẫn là lĩnh vực luôn có sức hút với giới đầu tư, đặc biệt các nhà đầu tư tổ chức. Các lĩnh vực khác như hạ tầng, thương mại và đầu tư sẽ kém hấp dẫn hơn bởi tiềm năng phát triển chưa được đánh giá cao, đặc biệt là lợi thế đất đai không còn như trước.

Trong lĩnh vực ngân hàng, theo ông Bình, cổ phần hóa Agribank sẽ là tiêu điểm trên thị trường trong thời gian tới, bởi đây là ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất của hệ thống, mạng lưới rộng khắp, tiềm năng phát triển rất khả quan. Hiện tại, nhiều nhà đầu tư tổ chức quan tâm đến Agribank, nhà đầu tư cá nhân chủ yếu quan tâm các ngân hàng đã phát triển tốt. Tuy nhiên, các nhà đầu tư tổ chức, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia ngân hàng với vai trò chi phối để có thể thay đổi, tái cấu trúc hoạt động. Nếu Agribank duyệt tỷ lệ sở hữu cổ đông nước ngoài lên mức tối đa 30% thì cơ hội bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài sẽ khả quan.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn ách tắc những năm gần đây chủ yếu là do vướng mắc về cơ chế định giá DN, tỷ lệ sở hữu cổ phần tư nhân, đặc biệt là tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng. Do đó, bên cạnh việc đặt ra kế hoạch hoàn thành cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại DN, cần sớm tháo gỡ các nút thắt kể trên.

“Nên tách đất đai ra khỏi việc định giá DN, bởi đây là cản trở lớn nhất với quá trình cổ phần hóa và thoái vốn trong thời gian qua. Bên cạnh đó, cần sửa đổi các văn bản pháp lý có liên quan khác như Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN (sửa đổi), Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, Nghị định số 140/2020/NĐ-CP, Nghị định 67/2021/NĐ-CP. Ngoài ra, cần sửa đổi các quy định về quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với người quản lý, người lao động trong DNNN theo nguyên tắc thị trường”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Chuyên đề