Để bóc trần hành vi thông thầu

(BĐT) - Hành vi cạnh tranh thiếu lành mạnh trong đấu thầu sử dụng vốn nhà nước đang có nhiều biểu hiện phức tạp, đặc biệt là trong mua sắm hàng hóa. Báo Đấu thầu có cuộc trao đổi với ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) về vấn đề này.
Các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh có xu hướng ngầm hóa, khiến cho việc phát hiện và điều tra trở nên khó khăn, phức tạp. Ảnh: Minh họa
Các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh có xu hướng ngầm hóa, khiến cho việc phát hiện và điều tra trở nên khó khăn, phức tạp. Ảnh: Minh họa

Ông có thể cho biết tình hình vi phạm Luật Cạnh tranh trong thời gian qua?

Chúng tôi đã tiến hành 82 cuộc điều tra tiền tố tụng để thu thập tài liệu về các hoạt động kinh doanh có biểu hiện hạn chế cạnh tranh. Xét theo dạng hành vi, có 40 sự việc liên quan đến quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh; 39 vụ liên quan đến quy định về lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền, và 3 vụ việc liên quan đến hành vi tập trung kinh tế bị cấm… Những lĩnh vực tập trung có thể kể đến nhiều vụ như sản xuất vật liệu xây dựng, kinh doanh vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, điện lực, viễn thông, giải trí, nông sản, vật tư nông nghiệp. Đặc biệt, có 2 sự việc liên quan đến bảo hiểm phi nhân thọ đã chuyển sang điều tra thủ tục tố tụng cạnh tranh…

Để bóc trần hành vi thông thầu ảnh 1
Ông Trịnh Anh Tuấn
Cục Quản lý cạnh tranh đã xử lý những sự việc cụ thể nào để mang lại sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong thời gian qua?

Có khá nhiều sự việc cho thấy một số cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương đã có hành vi hoặc ban hành các văn bản hành chính chứa đựng nội dung mang tính mệnh lệnh để chỉ định doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ hoặc phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp. Có thể kể tới như: Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã ban hành văn bản gửi tất cả các trường và cơ sở giáo dục trong Thành phố với nội dung “các trường, cơ sở giáo dục… chỉ nên tham gia bảo hiểm với các công ty có uy tín, đủ điều kiện hoạt động và có hướng dẫn đã được Sở ký triển khai trong năm học 2014 - 2015 (bao gồm: Bảo Việt Hà Nội, PJICO Hà Nội, Bảo Minh Thăng Long, Bảo Minh Hà Nội, Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội). Tỉnh Nghệ An có văn bản về việc chung tay góp sức hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ các sản phẩm bia với nội dung: “Trong các hội nghị, hội thảo, tiếp khách có sử dụng ngân sách theo quy định được sử dụng đồ uống, phải ưu tiên dùng các sản phẩm đồ uống như Bia Hà Nội, Sài Gòn, Vida…”. Tỉnh Quảng Ninh có văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương mở tài khoản tại Techcombank, gửi các quỹ tài chính của Tỉnh, sử dụng dịch vụ thanh toán tiền lương… Cục đã tiến hành xác minh các sự việc nêu trên, chủ động làm việc với các đơn vị liên quan để tháo gỡ và xử lý đối với từng sự việc trên tinh thần thượng tôn pháp luật.  

Tình trạng cố tình đưa ra những tiêu chí thiếu tính cạnh tranh trong HSMT dẫn đến sự độc quyền của một số nhà thầu vẫn khá phổ biến. Từ góc độ là cơ quan soạn thảo Luật Cạnh tranh mới, ông có chia sẻ gì về tình trạng này?

Đúng là có tình trạng nhiều bên mời thầu, chủ đầu tư vẫn ban hành các bộ HSMT chứa đựng các tiêu chí thiếu tính cạnh tranh, chỉ dành cho một số ít nhà thầu nhất định. Những tiêu chí thiếu cạnh tranh này dẫn tới việc đẩy giá hàng hóa cung cấp cho các gói thầu lên cao. Đó là mặt tiêu cực của cạnh tranh không lành mạnh mà ai cũng có thể nhìn ra. Từ  góc độ của mình, chúng tôi cho rằng, việc đưa ra các tiêu chí như vậy là hoàn toàn vi phạm quy định về cạnh tranh, tạo ra sự mất công bằng giữa các doanh nghiệp, không hiệu quả khi sử dụng ngân sách nhà nước. 

Thông thầu là một hành vi bị cấm theo Luật Đấu thầu và Luật Cạnh tranh. Tuy nhiên, để phát hiện và xử lý được hành vi này rất khó. Ông có thể chia sẻ thêm các giải pháp khả thi để hạn chế hành vi này?

Thỏa thuận thông thầu mang bản chất phản cạnh tranh, vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc cạnh tranh và có tác động trực tiếp đến các yếu tố thị trường như giá cả, sản lượng,…, nên được nhiều nước coi là một trong những thỏa thuận đặc biệt nguy hại, phải cấm tuyệt đối trong mọi trường hợp, cũng như không được miễn trừ. Thực tế cho thấy, các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh có xu hướng ngầm hóa. Điều này làm cho việc phát hiện và điều tra trở nên khó khăn, phức tạp. Vì vậy, hầu hết các nước đã sử dụng chính sách khoan hồng như một công cụ quan trọng để phát hiện và điều tra hành vi thỏa thuận này.

Ở Nhật Bản, phần lớn các vụ việc điều tra thông thầu đều được phát hiện thông qua chính sách khoan hồng. Cơ chế khoan hồng giảm hoặc miễn trừ tiền phạt phải nộp của doanh nghiệp trong trường hợp họ gửi báo cáo tới Ủy ban Thương mại lành mạnh (JFTC). Trong thời gian gần đây, những đơn miễn trừ khoản phải nộp chiếm một tỷ lệ lớn trong những manh mối của các vụ thông thầu. Thông qua cơ chế này, JFTC đã phát hiện ra rất nhiều vụ việc thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, đặc biệt là thông thầu, mà trước đó họ không thể phát hiện được do không có chứng cứ. Chính sách này mới áp dụng từ 2006 nhưng chỉ sau 1 năm đã nhận được khai báo của 105 công ty. Đây là một giải pháp, theo chúng tôi, là rất khả quan trong phát hiện các hành vi thông thầu ở Việt Nam. Bên cạnh đó, Luật Cạnh tranh đã và sẽ hoàn thiện để điều chỉnh các cơ quan quản lý nhà nước, bên mời thầu không được thực hiện những hành vi cản trở cạnh tranh trên thị trường.

Xin cảm ơn ông!

Chuyên đề