Tổng mức đầu tư của Đề án Ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư Thủy điện Sơn La thực hiện trên địa bàn tỉnh Sơn La là 5.141 tỷ đồng. Ảnh: Mùi Sơn |
Tại Sơn La, địa bàn lớn nhất thực hiện Đề án, do triển khai chậm, bố trí nguồn vốn hạn chế hoặc chậm bố trí nguồn vốn, nhiều cơ chế chính sách thay đổi và không còn phù hợp với thực tiễn nên Đề án có nguy cơ chậm tiến độ, không bảo đảm mục tiêu ban đầu.
Đề án nói trên được phê duyệt tại Quyết định số 666/QĐ-TTg ngày 31/5/2018 với mục tiêu ổn định và nâng cao thu nhập cho người dân vùng tái định cư Thủy điện Sơn La. Tổng mức đầu tư của Đề án thực hiện trên địa bàn tỉnh Sơn La là 5.141 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ sản xuất 2.110 tỷ đồng; sửa chữa, nâng cấp 443 công trình hạ tầng 2.154 tỷ đồng; sắp xếp, ổn định dân cư 400 tỷ đồng; chi phí khác 232 tỷ đồng; dự phòng 245 tỷ đồng.
Ban Quản lý Dự án Di dân tái định cư Thủy điện Sơn La cho biết, tổng số dự án thành phần thuộc Đề án được HĐND tỉnh Sơn La phê duyệt chủ trương đầu tư ngày 18/4/2020 là 440 dự án với tổng mức đầu tư 2.095 tỷ đồng. Đề án được phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn (giai đoạn 2018 - 2020 là 193 dự án; giai đoạn 2021 - 2025 là 247 dự án). Tuy nhiên, trên cơ sở cân đối nguồn lực thực hiện, HĐND tỉnh Sơn La đã phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án thành phần của Đề án phân kỳ đầu tư 2 giai đoạn (giai đoạn 2018 - 2020 là 84 dự án; giai đoạn 2021 - 2025 là 2 dự án). Đến nay, UBND tỉnh Sơn La đã giao triển khai thực hiện 84 dự án (do 9 chủ đầu tư tại địa bàn các huyện của tỉnh Sơn La thực hiện), các dự án còn lại chưa được bố trí vốn để thực hiện.
Trong 84 dự án đang triển khai, đến nay đã ký hợp đồng thi công 76 dự án, khối lượng xây lắp khoảng từ 10% - 90% giá trị khối lượng, cơ bản đáp ứng tiến độ theo hợp đồng đã ký; 7 dự án hiện đã lựa chọn nhà thầu xây lắp, ký hợp đồng triển khai thi công 6 dự án; đang trình sở chuyên ngành thẩm định hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công 1 dự án (Dự án Đường liên xã Mường Lựm - Yên Châu qua suối đi Tân Lập - Mộc Châu).
Tính đến ngày 30/6/2021, UBND tỉnh Sơn La đã giao 457,711 tỷ đồng cho các chủ đầu tư thực hiện Đề án và các chủ đầu tư đã thực hiện giải ngân được 240,53 tỷ đồng (trong đó, năm 2020 giải ngân được 80,598 tỷ đồng; năm 2021 giải ngân được 159,932 tỷ đồng).
Theo Ban Quản lý Dự án Di dân tái định cư Thủy điện Sơn La, Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 5/2018 nhưng đến năm 2020, tỉnh Sơn La mới phê duyệt chủ trương triển khai. Trong thời gian này có nhiều chủ trương, chính sách, định mức, đơn giá thay đổi nên công tác triển khai các dự án đầu tư nâng cấp, sửa chữa, xây mới hạ tầng tại các khu, điểm tái định cư gặp nhiều khó khăn.
Cụ thể, đối với một số dự án nâng cấp đường nội bộ tại các khu, điểm tái định cư, việc thực hiện theo chính sách quy định tại Quyết định số 64/2014/QĐ-TTg ngày 18/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, trường hợp nâng cấp đường nội bộ tại điểm tái định cư, Nhà nước hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ một lần vật tư, vật liệu, nhân dân góp công thực hiện. Nếu theo chính sách thì người dân phải đóng góp toàn bộ phần nhân công xây lắp, ca máy... Khi không có khả năng đóng góp ngày công lao động, mức đóng góp bằng tiền quá cao so với thu nhập của người dân vùng tái định cư, dẫn đến các hộ dân không nhất trí đóng góp. Vì thế, việc triển khai thi công các dự án nâng cấp đường nội bộ tại các khu, điểm tái định cư gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai các dự án có sự thay đổi về chính sách của Nhà nước liên quan đến thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ khảo sát và chi phí dự toán công tác chuẩn bị đầu tư theo nhiều văn bản pháp luật mới ban hành, trong khi các thông tư hướng dẫn chưa được ban hành đồng bộ nên việc triển khai gặp nhiều vướng mắc.
Ngoài ra, theo Ban Quản lý Dự án Di dân tái định cư Thủy điện Sơn La, việc thực hiện các dự án đầu tư hỗ trợ sản xuất của Đề án với khối lượng đầu tư lớn, nhiều hạng mục hỗ trợ, nếu không có lộ trình, kế hoạch, hướng dẫn triển khai đồng đều các chính sách hỗ trợ và bố trí kế hoạch vốn không kịp thời thì khó phát huy được hiệu quả đầu tư.