Đẩy nhanh tiến độ Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn: Nhiều nhà thầu vào diện cảnh báo

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cao tốc Cam Lộ - La Sơn là một trong 4 dự án thành phần của Dự án Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 được Chính phủ thông qua mục tiêu hoàn thành, đưa vào khai thác trong năm 2022. Đến nay, Dự án cơ bản đáp ứng tiến độ để có thể cán đích vào cuối tháng 9 tới. Đạt được hiệu quả này, một trong những biện pháp được áp dụng là nhắc nhở, đưa vào diện cảnh báo nhà thầu không đáp ứng tiến độ.
Từ khi khởi công đến 16/4/2022, sản lượng thi công cao tốc Cam Lộ - La Sơn đạt 4.715 tỷ đồng, tương đương 81,8% giá trị xây lắp. Ảnh: NC st
Từ khi khởi công đến 16/4/2022, sản lượng thi công cao tốc Cam Lộ - La Sơn đạt 4.715 tỷ đồng, tương đương 81,8% giá trị xây lắp. Ảnh: NC st

Đoạn tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn khởi công tháng 9/2019, có tổng chiều dài xây dựng là 98,35 km, đi qua địa bàn tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Dự án có tổng mức đầu tư 7.669 tỷ đồng, gồm 11 gói thầu xây lắp.

Đến cuối năm 2021, một số gói thầu thuộc Dự án vẫn trong cảnh chậm tiến độ do nhiều khó khăn, vướng mắc, như đợt mưa lũ năm 2020 trên địa bàn các tỉnh miền Trung, mùa mưa kéo dài từ năm 2021 đến đầu tháng 4/2022 mới kết thúc ảnh hưởng nhiều đến tiến độ thi công. Diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, biến động giá vật liệu, nhiên liệu tăng cao ảnh hưởng tới việc triển khai thi công tại hiện trường. Đặc biệt nguồn đất đắp thiếu hụt, khan hiếm là vướng mắc rất lớn của Dự án trong năm 2021, khiến nhiều gói thầu bị chậm tiến độ.

Để đẩy nhanh tiến độ, Ban Quản lý dự án (QLDA) đường Hồ Chí Minh cho biết, sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Ban QLDA và các nhà thầu đã rà soát lại khối lượng công việc của từng gói thầu, nhà thầu, từ đó vạch ra tiến độ chi tiết để triển khai thực hiện. Ngay khi thời tiết thuận lợi, các nhà thầu tập trung thi công, tăng cường trang thiết bị, nhân lực, tăng ca, nhiều gói thầu thi công liên tục trong những ngày qua và không nghỉ lễ 10/3 âm lịch.

Nhiều “biện pháp mạnh” đối với nhà thầu chưa đáp ứng tiến độ đã được Ban thực hiện. Ban đã nhắc nhở các nhà thầu phụ là Công ty 388 và Công ty Tân Thành, yêu cầu các nhà thầu chính là Công ty Hòa Hiệp, Công ty 122 Vĩnh Thịnh tăng cường thi công khi thầu phụ không đáp ứng tiến độ. Một số nhà thầu cũng bị đưa vào diện cảnh báo như Tổng công ty 319 và nhà thầu phụ Công ty TNHH Xây dựng Hoàng Nguyên; Tổng công ty 36 và nhà thầu phụ Công ty Nhạc Sơn, Công ty Hà An, Công ty Thành Phát; Cienco5 và nhà thầu phụ Công ty Đại Hiệp; Công ty 471 và nhà thầu phụ Công ty Bảo Sơn. Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cũng điều chuyển khối lượng 560 m của Công ty TNHH Xây dựng Hoàng Nguyên và đường đầu cầu của Công ty TNHH Vinh Khải tại Gói thầu XL3 cho Công ty CP Xây dựng dịch vụ và Thương mại 68.

Để giải quyết vấn đề thiếu vật liệu đất đắp, trong thời gian qua, Bộ GTVT và Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đã tích cực làm việc với địa phương để đề nghị được ưu tiên nguồn đất đắp cho Dự án, đến nay cơ bản bảo đảm nguồn đất đắp.

Đến nay, theo ông Ngô Sỹ Huấn, Chánh Văn phòng Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, tiến độ Dự án được đảm bảo. Sản lượng từ khi khởi công đến 16/4/2022 được 4.715 tỷ đồng, đạt 81,8% giá trị xây lắp, cơ bản đáp ứng kế hoạch điều chỉnh. Dự kiến các gói thầu đáp ứng tiến độ hoàn thành đã đăng ký, gói thầu cuối cùng (XL7, XL8) hoàn thành ngày 30/9/2022. Ban đang phấn đấu để có thể về đích sớm hơn.

Tuy nhiên, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, Dự án vẫn còn một số điểm vướng giải phóng mặt bằng. Mặc dù khối lượng còn lại không lớn, nhưng do giải phóng mặt bằng kiểu “xôi đỗ” nên công tác thi công gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, các thủ tục thực hiện di dời đường điện cao thế còn chậm, các vị trí này không vướng mặt bằng thi công, nhưng ảnh hưởng về quy định an toàn lưới điện khi đưa Dự án vào khai thác. Ban QLDA kiến nghị UBND 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế chỉ đạo để giải quyết dứt điểm, sớm bàn giao mặt bằng các vị trí còn lại cho Dự án và đẩy nhanh công tác di dời đường điện cao thế.

Chuyên đề