Ảnh minh họa: Internet |
Theo Thủ tướng, hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới được dự báo vẫn diễn biến phức tạp, khó lường với sự xuất hiện của nhiều biến thể mới. Tổng số ca mắc trên thế giới hơn 602,8 triệu ca, với trên 6,4 triệu ca tử vong. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiếp tục khẳng định đến thời điểm hiện tại, tiêm vắc xin vẫn là giải pháp chiến lược nhằm kiểm soát dịch bệnh Covid-19.
Trong nước, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn cơ bản được kiểm soát, các hoạt động kinh tế - xã hội trở lại bình thường. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, số ca mắc mới, số ca phải nhập viện, ca nặng đang có chiều hướng gia tăng; nhiều địa phương đã ghi nhận các biến thể mới của vi rút với khả năng lây nhanh hơn biến chủng gốc; xuất hiện nhiều bệnh dịch như sốt xuất huyết, cúm mùa, tay chân miệng...
Việt Nam đã tăng nhanh tỷ lệ bao phủ vắc xin, song tại một số nơi, việc tiêm vắc xin chưa bảo đảm yêu cầu, tiến độ tiêm chủng còn chậm, nhất là tiêm mũi 2 cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi; tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ người 18 tuổi trở lên còn thấp.
Kể từ đầu dịch đến ngày 30/8/2022, cả nước ghi nhận có 11.408.952 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 114.980 ca nhiễm).
Tổng số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là hơn 10,170 triệu ca. Số bệnh nhân đang thở ô xy là 137 ca.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến ngày 30/8/2022 là 43.117 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm. Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 134/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49(xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).
Tính riêng từ 17h30 ngày 29/8 đến 17h30 ngày 30/8, cả nước ghi nhận 4 ca tử vong tại: Cần Thơ (1), Hà Nội (1), Khánh Hòa (1), Tây Ninh (1). Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 2 ca.
Để tiếp tục bảo vệ và duy trì bền vững thành quả phòng chống dịch Covid-19, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh đang có nguy cơ gia tăng, tạo điều kiện phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm, có hiệu quả việc tiêm vắc xin theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, hoàn thành sớm nhất việc tiêm vắc xin cho các lứa tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về việc tiêm vắc xin trên địa bàn, đảm bảo tiến độ theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia và sử dụng kịp thời, hiệu quả số vắc xin phòng Covid-19 được phân bổ, tránh lãng phí. Chỉ đạo các cấp chính quyền trên địa bàn đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người; tiếp tục khẩn trương tổ chức tiêm chủng lưu động...
Đồng thời, chỉ đạo rà soát, cập nhật kịch bản, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, sẵn sàng cho mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, bảo đảm người dân tiếp cận dịch vụ y tế nhanh nhất, sớm nhất, ngay tại cơ sở; kiên quyết ứng phó kịp thời, hiệu quả trong trường hợp dịch bệnh bùng phát trở lại. Cơ quan, địa phương nào không kịp thời kiểm soát, để dịch bệnh bùng phát trên diện rộng phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Bộ Y tế tăng cường kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện tiêm vắc xin, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đối với các địa phương không bảo đảm tiến độ. Đối với việc ứng phó với các biến thể mới, Bộ Y tế bám sát diễn biến dịch bệnh Covid-19 trên thế giới, tăng cường trao đổi, thông tin, tham khảo kinh nghiệm quốc tế và ý kiến các chuyên gia để có đánh giá, dự báo diễn biến dịch bệnh do biến thể mới gây ra, triển khai đánh giá miễn dịch cộng đồng, chủ động tham mưu các giải pháp ứng phó phù hợp và tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả. Trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế chủ động, kịp thời cung cấp thông tin cập nhật về tình hình dịch bệnh, nhất là nguy cơ do các biến thể mới gây ra, các biện pháp phòng, chống dịch.
Cùng với đó, các cơ quan báo chí, chính quyền các cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để người dân thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch, tích cực tiêm vắc xin phòng Covid-19 để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.
Về tình hình tiêm chủng, tính đến ngày 30/8/2022, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 256.291.765 liều. Trong đó, số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 218.649.646 liều (mũi 1 là 71.075.947 liều; mũi 2 là 68.638.409 liều; mũi bổ sung là 14.852.997 liều; mũi nhắc lại lần 1 là 49.972.687 liều; mũi nhắc lại lần 2 là 14.109.606 liều); số liều tiêm cho trẻ từ 12 - 17 tuổi là 22.343.510 liều (mũi 1 là 9.096.218 liều; mũi 2 là 8.804.269 liều; mũi nhắc lại lần 1 là 4.443.023 liều); số liều tiêm cho trẻ từ 5 - 11 tuổi là 15.298.609 liều (mũi 1 là 9.284.426 liều; mũi 2 là 6.014.183 liều).