Đẩy lùi dịch bệnh, DN mới sẽ tăng trở lại

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của đời sống, trong đó có hoạt động gia nhập thị trường của doanh nghiệp (DN). Song với những giải pháp quyết liệt, đồng bộ của Chính phủ trong chống “giặc” Covid-19, nhiều chuyên gia kinh tế bày tỏ tin tưởng, dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát, đẩy lùi, lượng DN thành lập mới sẽ tăng trở lại.
Trong tháng 7/2021, cả nước có 8.740 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký gần 122,8 nghìn tỷ đồng, giảm lần lượt 22,8% và 25,3% so với tháng trước. Ảnh: Song Lê
Trong tháng 7/2021, cả nước có 8.740 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký gần 122,8 nghìn tỷ đồng, giảm lần lượt 22,8% và 25,3% so với tháng trước. Ảnh: Song Lê

Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 7/2021, DN đăng ký thành lập mới giảm cả số lượng cũng như vốn đăng ký so với tháng trước. Cụ thể, trong tháng 7/2021, cả nước có 8.740 DN thành lập mới với số vốn đăng ký gần 122,8 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký 71,2 nghìn người; giảm 22,8% về số DN, 25,3% về vốn đăng ký và 0,9% về số lao động so với tháng 6/2021. Vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới trong tháng 7 đạt 14 tỷ đồng, giảm 3,3% so với tháng trước và giảm 22,5% so với cùng kỳ năm 2020. Cùng với đó, số DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 4.527, tăng 17,1% so với tháng trước và tăng 34,3% so với cùng kỳ năm trước… Trong khi đó, số DN quay trở lại thị trường chỉ tăng nhẹ so với tháng trước.

Tính chung 7 tháng năm 2021, cả nước có 75,8 nghìn DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.065,4 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 555,5 nghìn lao động, tăng 0,8% về số DN, tăng 13,8% về vốn đăng ký và giảm 7,2% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.

Cũng trong 7 tháng, có gần 79,7 nghìn DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, trung bình mỗi tháng có gần 11,4 nghìn DN rút lui khỏi thị trường.

Một số lĩnh vực có số DN thành lập mới 7 tháng năm nay giảm so với cùng kỳ năm 2020 là sản xuất phân phối điện, nước, gas giảm 63,7%; dịch vụ lưu trú ăn uống giảm 10,7%; dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác giảm 10,5%; xây dựng giảm 3,7%...

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá, đợt dịch Covid-19 lần này tác động mạnh đến chuỗi cung cầu hàng hóa, làm mất đi cơ hội kinh doanh, ảnh hưởng đến “sức khỏe” của DN, khiến số DN gia nhập thị trường giảm mạnh.

Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn và thách thức do tác động của dịch Covid-19, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ DN cũng như chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất, lưu thông, phân phối hàng hóa an toàn.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội mới đây, tính đến hết tháng 7/2021, các bộ ngành, chính quyền cấp tỉnh đã ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành khoảng gần 100 văn bản về chính sách hỗ trợ cho DN. Các chính sách này đã góp phần quan trọng trong việc tiếp thêm nguồn lực cho DN duy trì sản xuất, kinh doanh, vượt qua giai đoạn khó khăn.

Đối với hỗ trợ DN thành lập mới, ngoài chính sách hỗ trợ chung của Chính phủ, vừa qua, một số địa phương cũng có những cách hỗ trợ rất riêng đối với các DN nhằm vượt qua những khó khăn, thách thức ban đầu.

Điển hình, TP. Hà Nội đã triển khai chương trình hỗ trợ chữ ký số và hóa đơn điện tử cho DN thành lập mới trên địa bàn năm 2021. Theo Chương trình, DN trên địa bàn thành lập mới trong năm 2021 được hỗ trợ 100% phí sử dụng 1 năm chữ ký số và 500 hóa đơn điện tử.

Thanh Hóa triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ DN thành lập mới như: nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn hỗ trợ phát triển DN, các thủ tục liên quan đến kế toán, thuế, ưu đãi vốn vay... cho DN; triển khai các hoạt động dịch vụ tiện ích hỗ trợ đăng ký DN, giúp giảm bớt số lần đi lại, số lần thực hiện thủ tục hành chính về đăng ký DN.

Ông Phan Đức Hiếu bày tỏ: “Hy vọng rằng với những giải pháp mạnh mẽ của Chính phủ trong chống dịch Covid-19, dịch bệnh sẽ được kiểm soát và đẩy lùi một cách nhanh nhất, hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ sôi động, từ đó DN thành lập mới sẽ tăng trở lại”.

Đông quan điểm, ông Lê Văn Khương, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phía Bắc tin tưởng, khi dịch bệnh được kiểm soát, các lĩnh vực kinh tế, nhất là dịch vụ sẽ sôi động trở lại. Vì thế, DN thành lập mới ở các lĩnh vực đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh cũng như những lĩnh vực mới sẽ “bùng nổ”.

Nhìn lại tình hình DN thành lập mới trong 6 tháng đầu năm 2021 cho thấy, niềm tin của chuyên gia này là có cơ sở. Trong 6 tháng đầu năm, khi dịch bệnh chưa bùng phát mạnh như tháng 7/2021 thì số DN gia nhập thị trường vẫn là lớn nhất trong 5 năm qua với 67.083 DN, vượt qua cột mốc 66.958 DN cùng kỳ năm 2019.

Chuyên đề