Đầu tư vào các dự án hạ tầng: Minh bạch để giảm nguy cơ tham nhũng

(BĐT) - Theo các chuyên gia trong nước và quốc tế tham gia Hội nghị khu vực lần thứ 10 sáng kiến chống tham nhũng khu vực châu Á - Thái Bình Dương diễn ra tại Hà Nội mới đây, nguy cơ tham nhũng trong các dự án đầu tư hạ tầng là rõ ràng và có chiều hướng phức tạp hơn. Giải pháp để phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ tham nhũng là phải minh bạch toàn bộ quá trình thực hiện đầu tư dự án.
Việc công khai danh mục dự án PPP là yếu tố quan trọng tăng cường tính cạnh tranh, nâng cao hiệu quả công tác lựa chọn nhà đầu tư và hiệu quả dự án. Ảnh: Song Lê
Việc công khai danh mục dự án PPP là yếu tố quan trọng tăng cường tính cạnh tranh, nâng cao hiệu quả công tác lựa chọn nhà đầu tư và hiệu quả dự án. Ảnh: Song Lê

Theo ông Nguyễn Văn Thanh - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, cùng với việc tăng chi đầu tư hàng năm vào hạ tầng thì cũng kéo theo những quan ngại về tính liêm chính của hoạt động quản lý các dự án này. Quy mô vốn lớn và dòng chảy của vốn đầu tư vào các dự án phát triển hạ tầng thường được thực hiện qua nhiều giao dịch và quan hệ hợp đồng với các bên khác nhau dẫn đến những rủi ro về tham nhũng, đặc biệt là hành vi can thiệp trái pháp luật vào quá trình đầu tư. Thực trạng này đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho công tác phòng ngừa tham nhũng.

Ông Hamid Sharif, Giám đốc điều hành Ban Giải quyết khiếu nại, đánh giá và liêm chính của Ngân hàng Đầu tư kết cấu hạ tầng châu Á cho rằng, tham nhũng và hối lộ xảy ra ở rất nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống. Đối với lĩnh vực nhạy cảm như các dự án phát triển hạ tầng thì việc phòng chống tham nhũng là rất khó khăn. Nó đòi hỏi phải có một chiến lược phòng chống tham nhũng rõ ràng, sàng lọc mọi vấn đề có thể xảy ra, từ đó đề ra các giải pháp mang tính thực tế và phù hợp. Việc ngăn ngừa tham nhũng trong các dự án hạ tầng phải được tiến hành đồng bộ và minh bạch hóa các bước trong quá trình thực hiện, nhất là khâu lựa chọn nhà thầu/nhà đầu tư.

Ông Lê Quốc Đạt, Phó Chánh Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra một thực tế là, trong lĩnh vực đầu tư các dự án hạ tầng theo phương thức đối tác công tư (PPP), việc công khai, minh bạch về danh mục dự án là yếu tố quan trọng trong việc tăng cường tính cạnh tranh nhằm nâng cao hiệu quả công tác lựa chọn nhà đầu tư và hiệu quả dự án. Tuy nhiên, thực tế thanh tra, kiểm tra lại cho thấy, đa số các dự án PPP không thực hiện công bố danh mục dự án theo quy định. Một vài địa phương dù đã hoàn thành việc xây dựng danh mục, nhưng bằng cách nào đó, việc lấy ý kiến và công bố danh mục lại không được triển khai. Vì vậy, nhà đầu tư không có động lực để tham gia các dự án trong danh mục do cơ quan quản lý nhà nước lập, mà tự đề xuất dự án để tối ưu hóa các lợi ích của mình ngay từ đầu.

Vẫn theo ông Lê Quốc Đạt, tình trạng danh mục dự án PPP không được công khai là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt dự án chỉ định nhà đầu tư. Nguy cơ tham nhũng trong việc chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án PPP là rất rõ ràng.

Để nâng cao hiệu quả và giảm thiểu nguy cơ tham nhũng trong các dự án đầu tư hạ tầng, TS. Hoàng Phú Thọ, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành IV cho rằng, cần xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê, thông tin về các dự án đầu tư hạ tầng, về đơn vị được kiểm toán; xây dựng kho dữ liệu về công nghệ xây dựng, giá cả vật tư, thiết bị trong nước và trên thế giới; xây dựng bộ thông tin nhận diện các sai phạm, tham nhũng; thực hiện tốt việc cung cấp thông tin cho các cơ quan liên quan, công khai kết quả kiểm toán, thanh tra, kiểm tra nhằm thúc đẩy tính minh bạch và dữ liệu mở, góp phần tăng cường nhận thức của công chúng về rủi ro tham nhũng.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư