Những dự án trong tầm ngắm
Từ một nhà thầu nhỏ trong lĩnh vực xây lắp, cung cấp vật liệu xây dựng, tham vọng lấn sân sang lĩnh vực BĐS đã sớm được Tổng công ty hiện thực hóa với việc được chọn làm chủ đầu tư Dự án Khu đô thị Hòa Mạc (Hà Nam) năm 2008, sau đó là Dự án Sân vận động Đồng Văn và hạ tầng khu đất xung quanh theo hình thức BT.
Tuy vậy, phải đến nửa cuối năm 2014, hoạt động kinh doanh BĐS mới bắt đầu đóng góp vào kết quả kinh doanh của Tổng công ty.
Sau 2 dự án trên, thời gian gần đây, doanh nghiệp này đang rất tích cực tìm kiếm cơ hội đầu tư các dự án BĐS mới, hay tạo quỹ đất thông qua các dự án BT.
Tháng 8/2019, Tổng công ty đã liên danh với Công ty CP Đầu tư xây dựng số 6 và Công ty TNHH Xây dựng Hưng Mỹ để trở thành một trong 3 nhà đầu tư trúng sơ tuyển tại Dự án Đầu tư xây dựng Khu nhà ở Tân Hà giai đoạn 1 tại xã Tiên Tân và xã Tiên Hiệp, TP. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.
Đây là dự án đầu tư có sử dụng đất với tổng diện tích hơn 12 ha, tổng chi phí thực hiện dự kiến hơn 234 tỷ đồng. Dự án nhằm tạo quỹ đất ở mới đáp ứng nhu cầu cho người dân trong khu vực; tạo cảnh quan đô thị, xây dựng khu dân cư mới với hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ...
Hai nhà đầu tư khác cũng lọt qua vòng sơ tuyển của dự án trên là: Công ty TNHH Hà Phương; Liên danh Công ty TNHH Hải Vượng - Công ty CP Đầu tư phát triển và Xây dựng Thăng Long, đều có địa chỉ tại tỉnh Hà Nam.
Trước đó, đầu tháng 5/2019, cũng tại Hà Nam, Tổng công ty đã vượt qua vòng sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng khu nhà ở phía Đông thị trấn Vĩnh Trụ, huyện Lý Nhân (giai đoạn 2). Dự án sử dụng diện tích đất là 9,1 ha, tổng chi phí thực hiện dự kiến hơn 154 tỷ đồng. Đối thủ của Đô thị Nam Hà Nội tại dự án này là Công ty TNHH Hà Phương.
Nếu như kết quả lựa chọn nhà đầu tư 2 dự án trên còn phải đợi qua khâu đấu thầu rộng rãi, thì Dự án BT Đầu tư xây dựng tuyến đường nối từ nút giao ngã ba Hòa Mạc đến đường ĐH05 (Km0+00 đến Km2+560,41), Liên danh Đô thị Nam Hà Nội - Công ty CP Đầu tư phát triển Thành Đạt gần như đã nắm trong tay khi là nhà đầu tư duy nhất trúng sơ tuyển. Tổng mức đầu tư của Dự án là 145,178 tỷ đồng.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Hồng Thái - Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị Nam Hà Nội cho biết, bước đầu, quỹ đất 7,8 ha để thực hiện Dự án đã được bàn giao, còn quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư phải chờ đơn vị liên quan hướng dẫn.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, vào tháng 8/2016, liên danh này cũng được UBND tỉnh Hà Nam chấp thuận giao nghiên cứu thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường nối từ Quốc lộ 38 mới (Km78+950) đến ngã 3 Hòa Mạc theo hình thức BT. Quỹ đất được đề xuất để hoàn trả vốn đầu tư gồm lô 2.3.HH1 diện tích 15,9 ha và lô 2.3.DT6 diện tích 13,4 ha tại xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên.
Quy mô trúng thầu giảm dần
Theo dữ liệu của Báo Đấu thầu, nếu như quy mô trúng thầu năm 2017 của nhà thầu này là 70,7 tỷ đồng thì năm 2018 giảm xuống còn 62,2 tỷ đồng và chỉ đạt vỏn vẹn 20,2 tỷ đồng sau 10 tháng năm 2019. Tất cả các gói thầu này đều được thực hiện trên địa bàn tỉnh Hà Nam.
Khảo sát khoảng 5 gói thầu Tổng công ty trúng thầu gần đây cho thấy, các gói thầu đều có thêm 2 nhà thầu khác tham dự. Trong đó, Công ty CP Đầu tư phát triển và Xây dựng Thăng Long luôn là nhà thầu bị loại.
Đơn cử, tại Gói thầu Thi công xây dựng công trình (bao gồm cả hạng mục chung) thuộc Dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đấu giá quyền sử dụng đất (vị trí 01, 02) tại xã Bạch Thượng, huyện Duy Tiên, Đô thị Nam Hà Nội đã vượt qua Xây dựng Thăng Long và Công ty CP Đầu tư xây dựng Khánh Chi Hà Nam để trúng gói thầu có quy mô 41,6 tỷ đồng này.
Hay tại Gói thầu số 02 Xây lắp (bao gồm cả chi phí hạng mục chung) thuộc Dự án Xây dựng tuyến đường ĐH01 kéo dài từ ĐH01 (Km5+344 - thôn Chằm) đến đường ĐX07 (Nhà Văn hóa thôn Du My) thuộc địa bàn xã Châu Giang, huyện Duy Tiên, Đô thị Nam Hà Nội đã được lựa chọn trúng thầu. Xây dựng Thăng Long và Công ty TNHH Hà Phương - đối thủ của Đô thị Nam Hà Nội tại 2 dự án khu nhà ở nêu trên - bị loại.