Quý I/2022 của loạt dự án do BQLDA đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư chỉ đạt 1,9% kế hoạch vốn được giao. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Theo BQLDA đầu tư xây dựng Đồng Nai, đến thời điểm 31/3/2022, lũy kế giá trị giải ngân mới đạt 15,748 tỷ đồng. Dự kiến trong tháng 4/2022 chỉ giải ngân thêm được khoảng 36,354 tỷ đồng, nâng tỷ lệ giải ngân lũy kế lên khoảng 4,4%.
BQLDA đầu tư xây dựng cho cho biết, có tới 15 dự án do Ban làm chủ đầu tư rơi vào tình trạng vướng mặt bằng kéo dài. Các nhà thầu chưa có mặt bằng sạch để tiếp tục triển khai thi công. Bởi vậy, các dự án bị chậm tiến độ, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ giải ngân kế hoạch vốn năm nay.
Tính riêng tại TP. Biên Hòa, hiện có tới 7 dự án bị “lụt” tiến độ vì mặt bằng. Trong đó, không ít dự án trọng điểm có tính chất cấp bách. Ví dụ như Dự án Xây dựng cầu Vàm Cái Sứt (trên đường Hương lộ 2 nối dài). Sau khi chậm tiến độ 3 tháng vì giãn cách xã hội, nay vẫn chưa thể tăng tốc thi công vì phần đường đầu cầu phía mố M2 đang vướng mặt bằng của 1 hộ dân chưa được bồi thường. Theo kế hoạch, cầu Vàm Cái Sứt sẽ hoàn thành vào tháng 12/2022, tuy nhiên, nếu TP. Biên Hòa không bàn giao mặt bằng trong tháng 6 thì kế hoạch sẽ đổ bể.
Tương tự, tại Dự án Đầu tư xây dựng đường Hương lộ 2 nối dài, gói thầu xây lắp chính cũng đang vướng khoảng 650 m chiều dài mặt bằng trên địa bàn 2 phường An Hòa, Long Hưng chưa thể đền bù, giải tỏa.
Do vướng mặt bằng thi công (mới bàn giao 8/12 hộ dân) nên hạng mục cầu An Hòa 2 chỉ thi công hoàn thành trụ P2, đang triển khai khoan cọc nhồi tại trụ P1. Đáng ngại là hạng mục này phải tạm dừng thi công từ tháng 11/2021 đến nay. Phần đường cũng đang trong tình trạng giải phóng mặt bằng da beo, đụng chỗ nào cũng vướng.
Các dự án hạ tầng quan trọng khác có vốn đầu tư lớn và đang kẹt mặt bằng trên địa bàn TP. Biên Hòa gồm: Dự án Mở rộng, trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh; Dự án Xây dựng cổng tường rào, san nền, nhà bảo vệ của Trạm Xử lý nước thải số 2 thuộc Dự án Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP. Biên Hòa giai đoạn 1; Dự án Chống ngập úng khu vực suối Chùa, suối Bà Lúa, suối Cầu Quan; Dự án Kè gia cố bờ sông Đồng Nai đoạn từ khu dân cư dọc sông Rạch Cát, phường Thống Nhất đến Nhà máy Xử lý nước thải số 2, phường Tam Hiệp…
Không chỉ ở Biên Hòa, trên địa bàn các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Xuân Lộc, Định Quán, Tân Phú, một loạt dự án cũng không có đủ mặt bằng để triển khai xây dựng. Dự án Hệ thống thoát nước khu vực Suối Nước Trong (huyện Long Thành) vướng mặt bằng ở các gói thầu số 10, 15, 16, 17, 24, 25 và số 26. Dự án Tuyến thoát nước từ Khu công nghiệp I ra rạch Bà Ký (huyện Nhơn Trạch) còn 9 hộ dân chưa đồng ý bàn giao mặt bằng, Dự án Kè sông Vàm Mương - Lòng Tàu đoạn qua khu vực ấp 2, xã Phước Khánh (huyện Nhơn Trạch) đạt khoảng 78% khối lượng hợp đồng nhưng hiện còn 4 hộ chưa chịu nhận tiền bồi thường…
Theo quan sát của phóng viên Báo Đấu thầu, ngoài các dự án hạ tầng do BQLDA đầu tư xây dựng làm chủ đầu tư, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, tình trạng thiếu mặt bằng sạch phục vụ thi công diễn ra ở nhiều dự án khác như: Xây dựng tuyến kè và đường ven sông Đồng Nai, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.
Theo giới chuyên gia, để gỡ “nút thắt” giải phóng mặt bằng, tỉnh Đồng Nai phải giải quyết được vấn đề tái định cư cho người dân. Đặc biệt, đối với TP. Biên Hòa vốn có nhiều công trình, dự án trọng điểm đang được triển khai thì việc xây dựng các khu tái định cư cần phải được tăng tốc. Tuy nhiên, thời gian qua, tiến độ triển khai các khu tái định cư Bình Đa, Thống Nhất - Tân Mai và Thống Nhất - Tân Mai 2 còn chậm chạp. “Nút thắt” đền bù giải phóng mặt bằng đang kéo chậm tiến độ giải ngân các dự án hạ tầng và viễn cảnh tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 của Đồng Nai không mấy sáng sủa. Cần thông tin lại rằng, năm 2021, tỷ lệ giải ngân của Đồng Nai chỉ đạt mức khiêm tốn là 61% kế hoạch, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đề ra.