Quy mô giải phóng mặt bằng của Dự án Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội lên tới 1.341 ha với kinh phí khoảng 19.000 tỷ đồng. Ảnh minh họa: Tiên Giang |
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, nhiệm vụ xây dựng Vành đai 3 TP.HCM, Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội được đề cập trong các nhiệm vụ cần thực hiện trong nhiệm kỳ 2021 - 2025, phù hợp với chủ trương chiến lược, các quy hoạch, kế hoạch triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025. Đây là thời điểm chín muồi để tập trung các nguồn lực thực hiện 2 tuyến cao tốc đô thị này. Trên thực tế, số lượng đường cao tốc chúng ta đạt được khá thấp so với yêu cầu phát triển của đất nước. Do đó, việc hoàn thành 2 tuyến đường vành đai này mang ý nghĩa rất lớn khi gắn với mục tiêu phát triển đến năm 2030, tạo động lực mới để vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bứt phá trong thời gian tới.
Tuy nhiên, với tổng mức đầu tư lớn (đường Vành đai 3 TP.HCM có tổng mức đầu tư 75.378 tỷ đồng, đường Vành đai 4 Hà Nội có tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng), phạm vi giải phóng mặt bằng (GPMB) rộng (đi qua địa bàn 7 tỉnh, thành phố với tổng chiều dài hơn 189 km) thì cần có những cơ chế mới, chính sách đặc thù và quyết tâm lớn để hoàn thành 2 tuyến cao tốc đô thị này trước năm 2030.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Lê Đình Thọ cho rằng, để triển khai 2 dự án được nhanh, gọn, phát huy vai trò, sứ mệnh lịch sử và tạo đột phá trong phát triển hạ tầng, cần áp dụng cơ chế đặc thù về phân cấp, phân quyền quản lý dự án. Dự án được giao cho 2 địa phương (UBND TP. Hà Nội và UBND TP.HCM) làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chủ động giải quyết và chịu trách nhiệm, trực tiếp tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện dưới sự hỗ trợ của cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành. Từ thực tiễn triển khai các tuyến đường cao tốc thời gian qua cho thấy, một trong những khó khăn nổi cộm là thiếu nguồn cung vật liệu. Vì vậy, cần áp dụng cơ chế đặc thù đối với cấp phép khai thác mỏ đất, mỏ cát, sỏi lòng sông phục vụ thi công 2 dự án giống như cao tốc Bắc - Nam phía Đông trong giai đoạn 2. Do nguồn vốn đầu tư 2 dự án rất lớn, các bộ, ngành và địa phương rất mong Quốc hội, Chính phủ cho phép sử dụng linh hoạt nguồn vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương trong quá trình đầu tư. Hiện nay, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, không được dùng ngân sách nhà nước cấp này thực hiện nhiệm vụ của cấp kia.
Về phía địa phương, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm đề xuất, việc đầu tư Dự án Vành đai 3 TP.HCM được thực hiện bằng cả nguồn ngân sách đầu tư công và kêu gọi đầu tư công - tư. Để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, tăng cường thêm nguồn lực đầu tư cho Dự án, TP.HCM mong muốn Quốc hội, Chính phủ rà soát lại các kế hoạch đầu tư công trung hạn, đánh giá nguồn lực khai thác từ quỹ đất của địa phương để bổ sung nguồn vốn đầu tư công; đồng thời có cơ chế, chính sách phát hành trái phiếu chính phủ và cho địa phương vay lại để thực hiện Dự án.
Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, tiến độ đặt ra đối với Dự án Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội là cơ bản kết thúc trước năm 2025 và năm 2026 phải hoàn chỉnh. Khó khăn lớn nhất của Dự án là công tác giải phóng mặt bằng, khi quy mô giải phóng mặt bằng tương đối lớn, 1.341 ha cho cả 3 tỉnh, thành phố; chiếm 19.000 tỷ đồng trên tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng. Theo đó, để có thể đẩy nhanh tiến độ, ngoài việc tách riêng dự án GPMB thì ngay sau khi Quốc hội cho phép chủ trương đầu tư Dự án, phải tiến hành luôn GPMB theo quy hoạch. Hà Nội đã xác định hệ thống chỉ giới đường đỏ, hoạch định lộ giới từng vị trí, đoạn tuyến và phải xử lý nhanh công tác chuẩn bị triển khai GPMB. Ngoài ra, để đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án, cần cho phép chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, di dời hạ tầng kỹ thuật, đền bù GPMB, xây lắp… cho từng dự án thành phần.