Đầu tư địa ốc Vina Land “ứng tuyển” 3 dự án lớn tại Hà Nam

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam đang cùng lúc lựa chọn nhà đầu tư 3 dự án khu đô thị có tổng chi phí thực hiện hơn 8.600 tỷ đồng (chưa kể chi phí bồi thường, tái định cư). Theo biên bản mở hồ sơ đăng ký thực hiện dự án, Công ty CP Đầu tư địa ốc Vina Land “ứng tuyển” tại cả 3 dự án. Doanh nghiệp này được thành lập chưa đầy 2 năm, vốn điều lệ 1.800 tỷ đồng.
Ba dự án khu đô thị tại Hà Nam đang lựa chọn nhà đầu tư có tổng chi phí thực hiện hơn 8.600 tỷ đồng. Ảnh minh họa: Nhã Chi
Ba dự án khu đô thị tại Hà Nam đang lựa chọn nhà đầu tư có tổng chi phí thực hiện hơn 8.600 tỷ đồng. Ảnh minh họa: Nhã Chi

Ba dự án khu đô thị trên địa bàn tỉnh Hà Nam vừa được lần lượt mở hồ sơ đăng ký thực hiện. Mỗi dự án có 2 nhà đầu tư đăng ký tham gia.

Theo đó, Dự án Đầu tư xây dựng Khu đô thị Đại học Nam Cao địa phận TP. Phủ Lý có tổng mức đầu tư hơn 6.369 tỷ đồng (trong đó sơ bộ tổng chi phí thực hiện Dự án là 5.251,465 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư là 1.118,772 tỷ đồng), diện tích gần 300 ha tại xã Tiên Ngoại, phường Tiên Nội (thị xã Duy Tiên), xã Tiên Hiệp và xã Tiên Tân (TP. Phủ Lý). Hai nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký thực hiện Dự án là Công ty TNHH Liên doanh Việt - SK Group; Công ty CP Đầu tư địa ốc Vina Land (Vina Land).

Dự án Đầu tư xây dựng khu đô thị mới thuộc địa bàn xã Lê Hồ, xã Nguyễn Úy, huyện Kim Bảng (KB-DT.06.22.4) có sơ bộ tổng chi phí thực hiện 1.638,94 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư là 183,111 tỷ đồng. Dự án được thực hiện trên quỹ đất 521.000 m2, quy mô đầu tư xây dựng khoảng 317 căn nhà ở. Theo biên bản mở hồ sơ đăng ký thực hiện Dự án, có 2 nhà đầu tư nộp hồ sơ gồm: Vina Land; Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng Long - Lands.

Cùng thực hiện tại huyện Kim Bảng, Dự án Đầu tư xây dựng khu đô thị mới thuộc địa bàn xã Lê Hồ, xã Đại Cương (KB-DT.06.22.3) có sự tham gia của 2 nhà đầu tư: Vina Land và Công ty CP Đầu tư phát triển đô thị Đại Việt. Dự án này được đầu tư trên quỹ đất 529.000 m2, quy mô đầu tư khoảng 751 căn nhà ở liền kề trên các trục đường chính của Dự án; khu đất ở tái định cư thực hiện trên diện tích khoảng 13.800 m2. Sơ bộ tổng chi phí thực hiện Dự án là 1.796,25 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư là 245,636 tỷ đồng.

Tại thời điểm đăng ký thực hiện 3 dự án, Vina Land được thành lập chưa đầy 2 năm (thành lập ngày 1/6/2021). Theo chứng nhận đăng ký kinh doanh, Công ty có trụ sở tại quận Hà Đông, TP. Hà Nội. Trong lần đăng ký thay đổi vào ngày 22/11/2022, trụ sở của doanh nghiệp được thay đổi sang huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Người đại diện theo pháp luật là ông Vũ Trường Sơn. Doanh nghiệp có vốn điều lệ 1.800 tỷ đồng, được sáng lập bởi 3 cổ đông gồm: Lê Thị Lộc góp 1.764 tỷ đồng (98%), Đặng Văn Lân góp 18 tỷ đồng (1%), Nguyễn Thị Thu góp 18 tỷ đồng (1%). Bà Lê Thị Lộc còn được biết đến là người đại diện theo pháp luật của Công ty CP Đầu tư PMT Land Việt Nam.

Về các đối thủ của Vina Land tại 3 dự án này, Công ty TNHH Liên doanh Việt - SK Group được thành lập vào tháng 9/2022, trụ sở chính tại huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Khi mới thành lập, Việt - SK Group có vốn điều lệ 86 tỷ đồng, 2 cổ đông góp vốn là bà Phạm Ngọc Anh và ông Nguyễn Anh Tuấn với tỷ lệ 50:50. Cũng trong tháng 9/2022, vốn điều lệ của Việt - SK Group đã được nâng lên 968 tỷ đồng. Bà Phạm Ngọc Anh còn là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư khu công nghiệp và đô thị Thành Nam (vừa thành lập ngày 9/3/2023, địa chỉ tại huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.

Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng Long - Lands được thành lập tháng 6/2018 tại huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình. Vốn điều lệ tại thời điểm thành lập Công ty là 86 tỷ đồng với 3 cổ đông: Phạm Ngọc Anh (góp 93% vốn); Phạm Đức Long (5%); Phạm Thị Hải Linh (2%). Tháng 3/2022, doanh nghiệp này tăng vốn điều lệ lên 1.268 tỷ đồng.

Công ty CP Đầu tư phát triển đô thị Đại Việt được thành lập tháng 3/2017, vốn điều lệ là 750 tỷ đồng. Cổ đông sáng lập gồm: Đặng Thị Đương (góp 90% vốn); Hà Xuân Lực (5%); Lê Đức Mạnh (5%).

Để trúng thầu cả 3 dự án nêu trên, ngoài kinh nghiệm thực hiện dự án tương tự, Vina Land phải đáp ứng năng lực tài chính theo yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm ở mỗi dự án. Tại Dự án Đầu tư xây dựng Khu đô thị Đại học Nam Cao, số vốn chủ sở hữu tối thiểu phải thu xếp là 787,719 tỷ đồng và vốn vay tối đa phải huy động là 4.463,745 tỷ đồng. Tại Dự án Đầu tư xây dựng khu đô thị mới thuộc địa bàn xã Lê Hồ, xã Nguyễn Úy, huyện Kim Bảng, vốn chủ sở hữu tối thiểu phải thu xếp là 288,018 tỷ đồng và vốn vay tối đa phải huy động là 1.632,102 tỷ đồng. Tại Dự án Đầu tư xây dựng khu đô thị mới thuộc địa bàn xã Lê Hồ, xã Đại Cương, huyện Kim Bảng, vốn chủ sở hữu tối thiểu phải thu xếp là 323,129 tỷ đồng và vốn vay tối đa phải huy động là 1.831,065 tỷ đồng.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một chuyên gia về đấu thầu dự án sử dụng đất cho biết, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư được xác định căn cứ theo báo cáo tài chính năm gần nhất đã được kiểm toán và báo cáo tình hình sử dụng vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư tại thời điểm tham gia thực hiện dự án. Do vậy, ở bước đăng ký thực hiện dự án, đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư (nếu có), nhà đầu tư không phải kê khai, bố trí vốn chủ sở hữu cho các dự án.

Tuy nhiên, sau bước phê duyệt trúng thầu chuyển sang thương thảo, đàm phán ký hợp đồng, sẽ phải rà soát, cập nhật, bổ sung danh sách các dự án đã trúng thầu, đang thực hiện và phân bổ vốn chủ sở hữu cho các dự án này của nhà đầu tư. Chuyên gia này cho biết, nếu cần thiết, ở giai đoạn đăng ký thực hiện dự án, bên mời thầu có thể yêu cầu nhà đầu tư bổ sung danh mục dự án và các khoản đầu tư dài hạn khác để làm căn cứ đối chiếu, rà soát trong giai đoạn thương thảo, đàm phán ký kết hợp đồng.

Chuyên đề