TP.HCM đang dồn lực hoàn thành 20 dự án giao thông trọng điểm trong năm 2024. Ảnh: Song Lê |
Tại phiên họp thường kỳ tháng 5/2024 của TP.HCM, lãnh đạo Kho bạc địa phương này cho biết, trong tháng 4 và 5, không có ngày nào giải ngân đạt trên 200 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 5/2024, tổng số vốn đầu tư TP.HCM đã giải ngân là hơn 10,895 nghìn tỷ đồng, đạt 13,7% kế hoạch. Trong khi đó, 2 tháng cuối năm 2023, TP.HCM giải ngân hơn 30 nghìn tỷ đồng, có ngày giải ngân 2 nghìn tỷ đồng. Lãnh đạo TP.HCM lý giải, hết đợt cao điểm 60 ngày đêm giải ngân đầu tư công, tiến độ lại chùng xuống.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (QLDA ĐTXD) các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) cho rằng, giải pháp là cần tăng tốc thi công các dự án xây dựng, tăng khối lượng hoàn thành chuyển qua khâu thanh toán vốn. Ban đang dồn lực phấn đấu hoàn thành 20 dự án giao thông trọng điểm trong năm 2024 như: đường Trần Quốc Hoàn, cầu Bà Hom, đường Tân Kỳ - Tân Quý, cầu Tân Kỳ - Tân Quý, hầm Nguyễn Văn Linh, cầu Phước Long, cầu Rạch Đĩa, cầu Nam Lý, đường Hoàng Hoa Thám… Ngoài ra, nhịp độ xây dựng các dự án lớn khác cũng cần được duy trì như: Vành đai 3 - TP.HCM, nút giao An Phú, Quốc lộ 50…
Ông Phúc dự báo, tốc độ giải ngân các dự án giao thông từ tháng 6 trở đi sẽ cải thiện và tìm lại đà tăng, mỗi tháng Ban Giao thông có thể giải ngân 1,2 nghìn tỷ đồng. Ban đã lên biểu đồ tiến độ chi tiết từng dự án, đốc thúc các nhà thầu tổ chức thi công 3 ca, 4 kíp và thi công xuyên lễ nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm.
Tuy nhiên, theo ông Phúc, để tốc độ giải ngân không trồi sụt, TP.HCM và các địa phương cần phối hợp tháo gỡ vướng mắc, nhất là vấn đề cát đắp nền bởi đây là nút thắt lớn nhất hiện nay ảnh hưởng tới công tác thi công của các nhà thầu tại các công trường xây dựng. Ban cũng sẽ tập trung theo dõi, đánh giá, giám sát, đôn đốc nhà thầu phối hợp để đẩy nhanh tốc độ giải ngân, tạo bước chuyển biến thực sự trên công trường.
Một địa phương khác có kế hoạch vốn lớn nhưng giải ngân chậm là Đồng Nai. Năm 2024, tổng kế hoạch vốn của Đồng Nai là 15,7 nghìn tỷ đồng. Đến cuối tháng 4/2024, con số giải ngân là 1,9 nghìn tỷ đồng, đạt 12,14% kế hoạch. Theo UBND tỉnh Đồng Nai, tỷ lệ giải ngân chưa cao do 3 nguyên nhân. Một là, một số dự án bố trí vốn khởi công mới đang thực hiện bước thiết kế thi công và dự toán nên khối lượng thanh toán không nhiều, theo tiến độ đến quý III nhóm dự án này mới lựa chọn nhà thầu thi công và giải ngân khối lượng thi công xây dựng. Hai là, các dự án bố trí vốn thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) đang thực hiện thủ tục kiểm đếm, xác định nguồn gốc đất…, chưa ban hành quyết định phê duyệt phương án bồi thường nên chưa thể giải ngân. Ba là, khối lượng giải ngân các tháng đầu năm tập trung vào các dự án chuyển tiếp, đặc biệt là các dự án trọng điểm, nhưng quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nên tỷ lệ giải ngân chưa cao.
Ông Nguyễn Linh, Phó Giám đốc Ban QLDA ĐTXD công trình giao thông tỉnh Đồng Nai cho biết, ngoài gỡ vướng về vật liệu đắp nền, giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân các công trình giao thông trọng điểm là gỡ nhanh nút thắt GPMB để các nhà thầu có đủ mặt bằng sạch tổ chức thi công. Ban đang cùng các cơ quan hữu trách quyết liệt thực hiện nhóm 8 giải pháp, đó là: Tập trung đẩy tiến độ thi công, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về đất đai, tài nguyên, tăng tốc GPMB; thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng giao mỏ không đúng đối tượng làm nảy sinh hoạt động mua đi bán lại, tăng giá vật liệu; lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án và tuân thủ nghiêm kế hoạch theo từng tháng, quý; tăng cường kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ; quyết liệt trong công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, kịp thời ban hành đơn giá bồi thường...
Đại diện nhiều chủ đầu tư khác tại Đồng Nai như Ban QLDA ĐTXD Tỉnh, TP. Biên Hòa… cũng cho biết đang quyết liệt triển khai nhóm các giải pháp trên.
Tại Cà Mau, theo chia sẻ của lãnh đạo Ban QLDA xây dựng công trình giao thông tỉnh Cà Mau, tình trạng thiếu cát san lấp và đá xây dựng đang rất gay gắt, trong khi các địa phương phải tập trung điều tiết nguồn cung cho các dự án giao thông trọng điểm quốc gia trên địa bàn. Thiếu vật liệu ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ các dự án xây dựng phân cấp cho các địa phương. Để có khối lượng giải ngân, nhiều chủ đầu tư và các nhà thầu phải chật vật xoay nguồn vật liệu duy trì thi công. Ban đề nghị cần có giải pháp tổng thể, điều phối cấp vùng để gỡ vướng mắc này tại các dự án xây dựng nhằm đảm bảo mục tiêu chung giải ngân bền vững. Rất nhiều chủ đầu tư, nhà thầu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang… đều có chung nỗi lo.
Bên cạnh đó, các chủ đầu tư ở các tỉnh phía Nam đã nhận diện và nỗ lực tháo gỡ hàng loạt vướng mắc khác như: trình tự, thủ tục chuẩn bị đầu tư, lựa chọn nhà thầu, thủ tục thanh toán… Các địa phương đang nỗ lực tìm giải pháp có tính đột phá cho các vướng mắc nhằm hoàn thành kế hoạch giải ngân đầu tư công năm 2024.