Đầu tư cải tạo tuyến Quốc lộ 13: Đẩy nhanh công tác đấu thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 bị kéo dài nhiều năm đã khiến cả TP.HCM lẫn Bình Dương đều sốt ruột bởi đây là tuyến đường huyết mạch, kết nối các khu vực phát triển năng động nhất của 2 địa phương. Năm 2022, hai địa phương quyết tâm đầu tư dự án đường bộ có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM và Bình Dương.
Chủ trương đầu tư Dự án Cải tạo, mở rộng Quốc lộ 13 theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT đã được phê duyệt với tổng mức đầu tư dự kiến là 1.367 tỷ đồng. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Chủ trương đầu tư Dự án Cải tạo, mở rộng Quốc lộ 13 theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT đã được phê duyệt với tổng mức đầu tư dự kiến là 1.367 tỷ đồng. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Theo UBND tỉnh Bình Dương, chủ trương đầu tư Dự án Cải tạo, mở rộng Quốc lộ 13 theo phương thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT đã được phê duyệt. Theo đó, tổng mức đầu tư dự kiến là 1.367 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng được sử dụng ngân sách địa phương, không tính vào tổng mức đầu tư Dự án. Quy mô Dự án sẽ tăng từ 6 làn xe lên 8 làn xe.

Trong khi đó, TP.HCM đã quyết định chuyển từ đầu tư theo phương thức PPP sang đầu tư công, sử dụng ngân sách Thành phố nhằm đẩy nhanh tiến độ Dự án. Tại TP.HCM, Dự án Cải tạo Quốc lộ 13 có lộ trình từ cầu Bình Triệu đến ngã tư Bình Phước (TP. Thủ Đức), dài hơn 4,5 km sẽ mở rộng lên 53 - 60 m, tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng. Trước đó, Dự án đã kéo dài do quá nhiều thay đổi về chính sách, quy hoạch, thiết kế và phạm vi giải phóng mặt bằng khiến nhiều nhà đầu tư bỏ cuộc.

Quốc lộ 13 được coi là trục "xương sống" nối tỉnh Bình Dương với TP.HCM. Trong khi phía tỉnh Bình Dương đã mở rộng 6 làn xe, sắp tới chuẩn bị tăng lên 8 làn xe thì đoạn đường khi về tới TP. Thủ Đức (TP.HCM) bị "thắt cổ chai" nên thường xuyên ùn tắc nghiêm trọng. Hiện, Quốc lộ 13 đoạn qua TP.HCM đã quá tải, xuống cấp nặng nề, ảnh hưởng lớn đến hoạt động giao thương của doanh nghiệp.

Với quyết tâm sớm triển khai nâng cấp tuyến Quốc lộ 13. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương đang tiến hành khảo sát, thẩm định giá đất, tăng tốc giải ngân cho Dự án. Hiện UBND Bình Dương đã quyết định thu hồi 15 ha đất đoạn từ cổng chào Vĩnh Phú đến điểm giao với đường Lê Hồng Phong để thực hiện Dự án và mở rộng các nút giao trên toàn tuyến. Ngay sau khi hoàn thành công tác đền bù giải phóng mặt bằng, công tác lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tổ chức lựa chọn nhà thầu các gói thầu thuộc Dự án sẽ được đẩy nhanh trong năm 2022.

Tại TP.HCM, do Dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 gián đoạn hơn 20 năm, các hạng mục hạ tầng kỹ thuật của tuyến đường đã xuống cấp trầm trọng. Do đó, thời gian qua, TP.HCM đã cấp nhiều kinh phí để lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu cải tạo, xây dựng các hạng mục của tuyến đường.

Đơn cử, Dự án Xây dựng đường và hệ thống thoát nước Quốc lộ 13 cũ do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực TP. Thủ Đức làm chủ đầu tư. Dự án có kinh phí 378.859.283.154 đồng. Dự án đã lựa chọn được nhà thầu thực hiện các gói thầu xây lắp nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, công tác triển khai gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, Bình Dương cũng phải sử dụng ngân sách tỉnh để triển khai hàng loạt gói thầu xây lắp nhằm nâng cấp, cải tạo nhiều đoạn của Quốc lộ 13. Có thể kể đến Gói thầu Thi công xây dựng trùng tu mặt đường và hệ thống cống thoát nước ngang (không bao gồm chi phí thí nghiệm vật liệu) thuộc Dự án Trùng tu lớp bê tông nhựa nóng dọc tuyến Quốc lộ 13 đoạn từ Km62+700 - đến Km95+000 thuộc Dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc Lộ 13 đoạn từ Km62+700 (ranh tỉnh Bình Dương) đến Km95+000 (thị xã Bình Long); Gói thầu số 1 Đoạn từ Km62+700 đến Km67+600 và cống ngang băng đường đoạn từ Km66+301; Gói thầu số 2 Đoạn từ Km68+000 đến Km74+200; Gói thầu Xây lắp thuộc Dự án Nâng cấp tuyến đường từ đường Quốc lộ 13 (cầu đường 76) - ngã ba ông Năm Đồng, khu phố 4, phường Mỹ Phước, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương…

Chuyên đề

Kết nối đầu tư