Dầu thô lao dốc vì đồng USD tăng

0:00 / 0:00
0:00
Giá dầu thế giới trượt giảm khi giao thông trên kênh đào Suez được nối lại và đồng USD tăng giá...
Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Giá dầu thế giới trượt giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (31/1), khi giao thông trên kênh đào Suez được nối lại và đồng USD tăng giá.

Theo hãng tin CNBC, tâm điểm chú ý của giới đầu tư đang hướng tới cuộc gặp cấp bộ trưởng của OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh ngoài khối. Giới phân tích dự báo tại cuộc họp này, OPEC+ sẽ gia hạn mức hạn chế sản lượng đang áp dụng, vì triển vọng nhu cầu tiêu thụ năng lượng đang xấu đi do làn sóng Covid-19 mới ở khu vực châu Âu.

Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London giảm 0,84 USD/thùng, tương đương giảm 1,3%, còn 64,14 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York trượt 1,01 USD/thùng, tương đương giảm 1,6%, còn 60,55 USD/thùng.

Sau khi tàu chở hàng siêu trường siêu trọng Ever Given được giải thoát khỏi tình trạng mắc kẹt kéo dài gần 1 tuần ở Suez, giao thông trên con kênh đào đã được nối lại. Nhà chức trách ước tính sẽ mất khoảng 3 ngày rưỡi để giải tỏa hết số 422 con tàu ùn ứ ở hai đầu kênh.

"Mức tăng mà giá dầu tích lũy trong thời gian kênh đào Suez bị tắc, đúng như dự báo, không giữ được lâu. Giờ đây, mức tăng đó đã bị xóa hết do giao thông trên con kênh trở lại bình thường", nhà phân tích Louise Dickson thuộc Rystad Energy phát biểu.

Đồng USD tiếp tục xu hướng tăng giá so với các đồng tiền chủ chốt và lên mức cao nhất 1 năm so với đồng Yên Nhật. Đồng bạc xanh lên giá gây áp lực giảm lên những hàng hóa cơ bản định giá bằng USD, trong đó có dầu thô và vàng.

Dự kiến tổ chức vào ngày thứ Năm (1/4), cuộc họp của OPEC+ diễn ra trong bối cảnh mối lo về sự thiếu hụt nguồn cung dầu vật chất đã dịu đi, trong khi triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu có phần suy giảm vì các nước châu Âu phải phong tỏa trở lại để ứng phó với số ca nhiễm mới Covid-19 gia tăng.

Nguồn thạo tin tiết lộ rằng Saudi Arabia, thủ lĩnh không chính thức của OPEC, đã nhất trí gia hạn mức cắt giảm sản lượng hiện nay cho tới hết tháng 6.

"Áp lực giảm lên giá dầu gần đây đồng nghĩa với việc OPEC+ một lần nữa phải thận trọng với vấn đề sản lượng. Chúng tôi cho rằng nhóm này sẽ giữ nguyên sản lượng hiện tại", một báo cáo của ngân hàng ING có đoạn.

Ngân hàng JPMorgan Chase tin rằng OPEC+ sẽ giữ mức sản lượng hiện nay đến hết tháng 5 và Saudi Arabia sẽ tiếp tục việc tự nguyện giảm sản lượng cho tới cuối tháng 6. "Sau đó, chúng tôi cho rằng OPEC+ sẽ giảm sản lượng thêm 500.000 thùng/ngày trong thời gian từ tháng 6 đến hết tháng 8".

Rystad Energy cho rằng đợt phong tỏa mới và những chậm trễ trong việc tiêm chủng ngừa Covid-19 có thể khiến sự phục hồi nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu bớt đi tới 1 triệu thùng/ngày.

Một thách thức đối với việc hạn chế nguồn cung dầu toàn cầu là việc Iran, một thành viên của OPEC, vẫn bán dầu cho Trung Quốc, bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên hiệp quốc liên quan đến chương trình hạt nhân của Tehran. Nguồn thạo tin nói rằng Trung Quốc có thể nhận tới 1 triệu thùng dầu/ngày từ Iran trong tháng này, với "vỏ bọc" dầu nhập khẩu từ các thị trường khác.

Chuyên đề