Đấu thầu xây 7 trường THCS tại Sơn La: Cùng 1 mô típ trượt thầu

(BĐT) - 7 lô thầu xây dựng 7 trường THCS trên địa bàn tỉnh Sơn La được đấu thầu rộng rãi, có 3 nhà thầu luân phiên tham gia đấu thầu 7 lô thầu này và đều trượt thầu với cùng một lý do là “bảo đảm dự thầu (BĐDT) không hợp lệ, thời gian hiệu lực của BĐDT là 120 ngày, ngắn hơn yêu cầu của hồ sơ mời thầu (HSMT)”.
7 lô thầu xây dựng 7 trường THCS tại tỉnh Sơn La thuộc 2 gói thầu (số 01 và số 02) của Dự án Giáo dục THCS khu vực khó khăn nhất, giai đoạn 2. Ảnh: Lê Tiên
7 lô thầu xây dựng 7 trường THCS tại tỉnh Sơn La thuộc 2 gói thầu (số 01 và số 02) của Dự án Giáo dục THCS khu vực khó khăn nhất, giai đoạn 2. Ảnh: Lê Tiên

Nhà thầu giải thích do ngân hàng sơ suất!

Theo tìm hiểu của phóng viên, 7 lô thầu xây dựng 7 trường THCS tại tỉnh Sơn La thuộc 2 gói thầu (số 01 và số 02) của Dự án Giáo dục THCS khu vực khó khăn nhất, giai đoạn 2. Dự án này sử dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) theo khoản vay số 3201- VIE (SF) và vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh Sơn La. 7 lô thầu này được tổ chức đấu thầu cạnh tranh trong nước theo quy định của ADB, đều đóng thầu vào ngày 22/5/2017, do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Sơn La làm chủ đầu tư và trực tiếp mời thầu.

Ngày 17/8/2017, Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La đã ban hành 7 quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu đối với 7 lô thầu nói trên. Theo tìm hiểu của phóng viên, mỗi lô thầu chỉ có 3 - 4 nhà thầu tham dự. Điểm đáng chú ý là có 3 nhà thầu gồm Doanh nghiệp tư nhân Trung Vinh (tham gia 3 lô thầu), Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng Ngọc Quyết (tham gia 4 lô thầu) và Công ty TNHH MTV K50 (tham gia 4 lô thầu) nhưng đều không trúng bất kỳ một lô thầu nào. 3 nhà thầu này đều bị loại với lý do chung là “hợp đồng tương tự không đáp ứng yêu cầu của HSMT, BĐDT không hợp lệ (thời gian hiệu lực của BĐDT 120 ngày, ngắn hơn yêu cầu của HSMT)”.

Ông Đặng Quang Vinh - đại diện Doanh nghiệp tư nhân Trung Vinh cho biết, HSMT yêu cầu hiệu lực của BĐDT là 150 ngày. Sau khi mua HSMT, nhà thầu đã chuyển thông tin này cho phía ngân hàng để làm BĐDT. Tuy nhiên, do “sơ suất” nên phía ngân hàng đã làm BĐDT cho nhà thầu chỉ 120 ngày nên hồ sơ dự thầu (HSDT) bị loại, làm mất nhiều thời gian và tiền bạc của nhà thầu.

Ông Vinh cho biết thêm, cả 3 BĐDT “ngắn ngày” nói trên đều do Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) Chi nhánh Sơn La thực hiện.

Sự trùng hợp ngẫu nhiên?

Theo tìm hiểu của phóng viên, dù 7 lô thầu nêu trên được đấu thầu rộng rãi trong nước, song chỉ có 5 nhà thầu thay nhau tham gia nộp HSDT. Ngoài 3 nhà thầu tham gia nhưng không trúng lô thầu nào nói trên thì còn có 2 nhà thầu liên danh, gồm: Liên danh Công ty TNHH MTV Xây dựng Quyết Tùng và Công ty CP Đầu tư và Xây dựng số 1 Sơn La; Liên danh Công ty TNHH MTV Xây dựng Việt Hoàn, Công ty CP Xây dựng Mạnh Hà và Doanh nghiệp tư nhân Hiền Thu. Cả 3 nhà thầu tham dự thầu đều có địa chỉ tại tỉnh Sơn La.

Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La cho biết, cả 7 lô thầu nói trên đều do Công ty CP Tư vấn xây dựng Sơn La (có địa chỉ tại thành phố Sơn La) là đơn vị được thuê đánh giá HSDT; còn Công ty CP Tư vấn và Xây dựng Nam Dương (có địa chỉ ở thành phố Sơn La) là đơn vị tư vấn thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu.

Giải thích về việc 3 nhà thầu đều có chung lý do trượt thầu, cán bộ đấu thầu của Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La cho rằng đó là sự “ngẫu nhiên” và dựa trên văn bản trình kết quả đánh giá HSDT của Công ty CP Tư vấn xây dựng Sơn La. Việc thực hiện BĐDT như thế nào là của nhà thầu, phía đơn vị tư vấn và Chủ đầu tư chỉ biết đánh giá dựa trên các tài liệu của HSDT.

Một chuyên gia về đấu thầu phân tích, BĐDT không hợp lệ, ngắn hơn yêu cầu của HSMT thì chắc chắn bị loại. Đây là bài học “vỡ lòng” mà nhà thầu nào cũng biết. Vì thế, khi nhà thầu nộp BĐDT ngắn ngày so với quy định của HSMT thì với “con mắt” của những người trong nghề đều có thể đặt nghi vấn về biểu hiện tự trượt thầu của những nhà thầu này.            

Chuyên đề