Đấu thầu trong lĩnh vực xây lắp điện: Vốn nhỏ, cơ hội nào cho Sông Đà Seco?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Công ty CP Xây lắp và Dịch vụ Sông Đà (Sông Đà Seco) vừa được lựa chọn thực hiện 2 gói thầu thuộc lĩnh vực xây lắp điện với tổng giá trị 213 tỷ đồng. Đây cũng là 2 trong số 4 gói thầu mà Công ty được công bố trúng từ đầu năm nay. Cuối năm là thời điểm nhiều công trình điện lớn dự kiến tổ chức lựa chọn nhà thầu, mang lại nguồn việc lớn cho các doanh nghiệp xây lắp điện như Sông Đà Seco. Tuy nhiên, đây cũng là lĩnh vực ghi nhận áp lực cạnh tranh rất lớn.
Nguồn: Báo cáo tài chính đã kiểm toán của Sông Đà Seco; đơn vị tính: tỷ đồng
Nguồn: Báo cáo tài chính đã kiểm toán của Sông Đà Seco; đơn vị tính: tỷ đồng

Tại Gói thầu số 10 Xây lắp trạm và đường dây đấu nối thuộc Dự án Trạm biến áp 220kV Lai Uyên và đấu nối, Sông Đà Seco vượt qua 4 nhà thầu khác, được công bố trúng thầu với giá 108,098 tỷ đồng. Mức giá này thấp hơn nhiều so với các đối thủ như Công ty TNHH MTV Xây lắp điện 2 (113,44 tỷ đồng), Liên danh Công ty TNHH MTV Xây lắp điện I Miền Nam - Công ty CP Tập đoàn PC1 (138,156 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, Sông Đà Seco được lựa chọn thực hiện Gói thầu số 13 Xây lắp trạm biến áp (bao gồm thực hiện các công việc về TTLL và SCADA) thuộc Dự án Trạm biến áp 220kV Gia Lộc và đường dây đấu nối với giá 99,6 tỷ đồng sau khi vượt qua 4 nhà thầu khác.

Trước đó vào tháng 10/2023, Sông Đà Seco liên danh với 3 nhà thầu khác trúng Gói thầu số 14 (XL-01) Xây lắp công trình (18 vị trí cột, từ VT1-VT18, chiều dài khoảng 7,95 km), thuộc Dự án Đường dây 500kV Monsoon - Thạnh Mỹ (đoạn trên lãnh thổ Việt Nam) với giá 79,66 tỷ đồng, thấp hơn 5% so với giá gói thầu.

Cùng với gói thầu xây lắp điện quy mô 11,53 tỷ đồng trúng vào tháng 6/2023, kể từ đầu năm đến nay, Sông Đà Seco mới trúng 4 gói thầu.

Được biết, trong năm 2022, Công ty tham gia đấu thầu 24 công trình với giá trị 1.457,2 tỷ đồng. Trong số đó, Công ty được công bố trúng 6 gói thầu với tổng giá trúng thầu 153,95 tỷ đồng. Công ty cho biết, cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong công tác tiếp thị đấu thầu các dự án xây lắp với khách hàng truyền thống là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Để ổn định phát triển trong các năm tiếp theo, lãnh đạo Công ty đã có chủ trương nghiên cứu tiếp thị đấu thầu với các chủ đầu tư ngoài ngành điện và nghiên cứu đầu tư các lĩnh vực mới.

Thực tế cho thấy, các gói thầu xây lắp điện có sự cạnh tranh rất lớn do ngày càng nhiều đơn vị tham dự, đặc biệt là kể từ khi triển khai đấu thầu qua mạng. Đơn cử, các gói thầu thuộc Dự án Đường dây 500kV Nhà máy Nhiệt điện Nam Định I - Thanh Hóa (quy mô 3.086 tỷ đồng) ghi nhận sự tham gia của nhiều nhà thầu. Trong đó, Sông Đà Seco đã bị loại tại 2/3 số gói thầu thuộc Dự án do có giá dự thầu không cạnh tranh. Còn tại Gói thầu số 39 Xây lắp đường dây đoạn tuyến từ VT67 đến VT82A (bao gồm VT82A) có giá 92,168 tỷ đồng, Sông Đà Seco đang cạnh tranh với Công ty TNHH Phương Hạnh.

Ngoài các gói thầu trên, Sông Đà Seco cũng đang tham dự Gói thầu số 9 Xây lắp các đường dây đấu nối thuộc Dự án Trạm biến áp 500 kV Quảng Trị và đường dây đấu nối Quảng Trị - rẽ Vũng Áng - Đà Nẵng (giá gói thầu 55,13 tỷ đồng). Theo hồ sơ đề xuất tài chính được công bố, mức giá dự thầu sau giảm giá của Sông Đà Seco là 75 tỷ đồng, cao hơn giá gói thầu và giá dự thầu của các nhà thầu khác như Công ty TNHH MTV Xây lắp điện 2 (54,7 tỷ đồng), Liên danh Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Việt Trung - Công ty TNHH Xây lắp và Thương mại Y.K (51,08 tỷ đồng).

Hay tại Gói thầu số 8 Xây lắp trạm biến áp (không bao gồm lắp đặt máy biến áp 500 kV) thuộc Dự án Trạm biến áp 500 kV Quảng Trị và đường dây đấu nối Quảng Trị - rẽ Vũng Áng - Đà Nẵng (giá gói thầu 159,991 tỷ đồng), Liên danh Sông Đà Seco - Công ty CP Ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin dự thầu với giá 155,688 tỷ đồng, cao hơn giá dự thầu của Liên danh Công ty CP PC1 Thăng Long - Công ty CP Alphanam E&C (154,207 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, Sông Đà Seco cũng đang tham dự Gói thầu số 13 Xây lắp trạm và đường dây đấu nối (bao gồm cung cấp và lắp đặt hệ thống phòng cháy, chữa cháy; lắp đặt máy biến áp 220kV - 250MVA và thí nghiệm hiệu chỉnh) thuộc Dự án Trạm biến áp 220kV Ninh Hòa (Vạn Ninh) và đường dây đấu nối có giá 87,618 tỷ đồng.

Trong bối cảnh lĩnh vực xây lắp điện cạnh tranh ngày càng gay gắt, một số doanh nghiệp lớn trong ngành như Công ty CP Tập đoàn PC1, Công ty CP Sông Đà 11 dần tăng quy mô vốn và mở rộng sang các lĩnh vực khác. Trong khi đó, quy mô vốn điều lệ của Sông Đà Seco nhiều năm qua vẫn không thay đổi. Năm 2017, Công ty tăng vốn điều lệ từ 23 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng và giữ nguyên cho đến nay với 100% cổ đông tư nhân. Không thực hiện tăng vốn điều lệ, nhiều năm qua Sông Đà Seco dùng phần lớn lợi nhuận thu được để chi trả cổ tức cho các cổ đông.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư