Đấu thầu tại Sở Giao thông vận tải Điện Biên: Kém cạnh tranh, vì sao?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Khảo sát dữ liệu của Báo Đấu thầu kể từ năm 2019 đến nay cho thấy, 100% các gói thầu lựa chọn nhà thầu qua mạng tại Sở Giao thông vận tải Điện Biên đều không có cạnh tranh khi chỉ thu hút duy nhất 1 nhà thầu tham dự tại mỗi gói thầu, với giá trúng thầu luôn sát giá gói thầu.
Từ năm 2019 đến nay, tất cả các gói thầu lựa chọn nhà thầu qua mạng của Sở Giao thông vận tải Điện Biên đều chỉ có 1 nhà thầu tham dự. Ảnh minh họa: Nhã Chi
Từ năm 2019 đến nay, tất cả các gói thầu lựa chọn nhà thầu qua mạng của Sở Giao thông vận tải Điện Biên đều chỉ có 1 nhà thầu tham dự. Ảnh minh họa: Nhã Chi

Bên cạnh đó, tình trạng kém cạnh tranh cũng được phản ánh tại các gói thầu áp dụng đấu thầu truyền thống, khi phần lớn các gói thầu này chỉ ghi nhận “vừa đủ” 3 nhà thầu dự, đồng thời, thay nhau trúng, trượt lặp lại tại nhiều cuộc thầu.

3 tháng đầu năm 2022, Sở Giao thông vận tải Điện Biên tổ chức đấu thầu rộng rãi, qua mạng chọn nhà thầu thực hiện 15 gói thầu xây lắp giao thông trên địa bàn Tỉnh. Kết quả mở thầu cho thấy, mỗi gói thầu chỉ có 1 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu. Năm 2021, Sở công bố kết quả lựa chọn nhà thầu qua mạng đối với 26 gói thầu, 100% gói thầu chỉ có 1 nhà thầu tham dự. Chung tình trạng trên, trong năm 2019 và 2020, có tổng số 44 gói thầu xây lắp qua mạng được Sở công bố kết quả, cũng chỉ 1 nhà thầu tham dự tại mỗi gói thầu.

Theo đó, hầu hết các gói thầu đều được trao cho một số nhà thầu “quen”, thường xuyên trúng thầu tại bên mời thầu này. Trong đó, nhà thầu có tần suất trúng thầu lớn nhất là Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Huy Hoàng, với 20 gói thầu, chiếm gần 1/3 tổng số lượng gói thầu. Đơn cử như Gói thầu Xây lắp số 1 thuộc Dự án Nâng cấp ĐT.143 Noong Bua - Pú Nhi - Noong U - Na Son (giá trúng thầu 46,998 tỷ đồng); Gói thầu Thi công xây dựng thuộc Dự án Sửa chữa đoạn Km0+00 - Km6+900, nhánh 4H1, Quốc lộ 4H (giá trúng thầu 24,313 tỷ đồng)...

Công ty CP Đường bộ 2 Điện Biên được lựa chọn thực hiện 18 gói thầu, với tổng giá trị hợp đồng trên 260 tỷ đồng. Trong đó, nhiều gói thầu có giá trúng thầu sát giá gói thầu như: Gói thầu Xây dựng thuộc Dự án Sửa chữa tuyến QL.6 đoạn Km462+850 - Km472+030 (giá gói thầu 18,96 tỷ đồng; giá trúng thầu 18,955 tỷ đồng; giảm giá 5 triệu đồng); Gói thầu Xây dựng thuộc Dự án Sửa chữa đoạn Km114+200 - Km118+00, Quốc lộ 4H (giá gói thầu 8,913 tỷ đồng; giá trúng thầu 8,911 tỷ đồng; giảm giá 2 triệu đồng)...

Bên cạnh đó, Công ty CP Đường bộ 226; Công ty CP Đường bộ I Điện Biên cũng là những nhà thầu trúng phần lớn các gói thầu tại bên mời thầu này trong 3 năm qua.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, cán bộ của Sở Giao thông vận tải Điện Biên cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng các gói thầu dù được đấu thầu rộng rãi, song vẫn không thu hút được nhiều nhà thầu tham dự xuất phát từ đặc thù địa hình của Tỉnh, chủ yếu là đồi núi dốc, hiểm trở, gây khó khăn trong lưu thông nhân lực, vật lực khi triển khai hợp đồng, dẫn tới nhiều nhà thầu “e ngại” khi dự thầu. “Hơn nữa, bên cạnh các dự án đầu tư mới, thì không ít gói thầu được mời thầu bao gồm công tác xử lý, bảo trì đoạn tuyến đã thi công, cần duy trì nhân sự, thiết bị tại công trường trong thời gian dài, dẫn tới việc các nhà thầu rất khó xoay sở bố trí phương án thi công ổn định. Đây cũng có thể là nguyên nhân khiến các nhà thầu ngoài địa phương không mấy “mặn mà”, vị cán bộ chia sẻ.

Tại số ít các gói thầu được đấu thầu trực tiếp, phổ biến tình trạng có 3 nhà thầu tham dự, trong đó, các đối thủ quen thường xuyên mắc lỗi sơ đẳng, tạo lợi thế cho nhà thầu còn lại trúng thầu. Đơn cử, tại 4 gói thầu thi công xử lý điểm đen 4 đoạn tuyến thuộc trên Quốc lộ 4H, huyện Mường Nhé, Công ty CP Xây dựng và Thương mại Quyết Tiến Điện Biên được công bố trúng thầu với tổng giá trị trên 15 tỷ đồng. Trong khi đó, 2 nhà thầu gồm Công ty CP Xây dựng và Thương mại Hải Lộc và Công ty CP Xây dựng số 1 Điện Biên cùng bị loại bởi các lý do như không đề xuất thiết bị thi công; hợp đồng tương tự không hợp lệ.

Do không phải cạnh tranh về giá, nên tỷ lệ tiết kiệm tại các gói thầu thường chỉ đạt dưới 1%.

Bên cạnh đó, một số hồ sơ mời thầu cũng bộc lộ bất cập tại các yêu cầu về hợp đồng tương tự; yêu cầu về nhân sự, chưa phù hợp với quy định tại Nghị định 15/2021/NĐ-CP ngày 3/3/2021 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng, gây phản ứng từ phía nhà thầu.

Chuyên đề