Đấu thầu tại phường Ninh Diêm (Ninh Hòa, Khánh Hòa): Nhà thầu bị loại phản ứng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Gói thầu Thi công xây lắp thuộc Dự án Hội trường phường Ninh Diêm, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa vừa chọn xong nhà thầu. Trong đó, nhà thầu có lợi thế vượt trội về giá bị loại do không đáp ứng một số tiêu chuẩn đánh giá về kinh nghiệm của nhân sự quy định tại hồ sơ mời thầu (HSMT). Bất phục trước lý do bị loại, Nhà thầu gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng đề nghị xem xét lại kết quả lựa chọn nhà thầu.
Nhà thầu cho rằng tiêu chuẩn đánh giá nhân sự chủ chốt tại hồ sơ mời thầu được quy định quá cao không phù hợp với quy mô, tính chất của Gói thầu. Ảnh: Nhã Chi
Nhà thầu cho rằng tiêu chuẩn đánh giá nhân sự chủ chốt tại hồ sơ mời thầu được quy định quá cao không phù hợp với quy mô, tính chất của Gói thầu. Ảnh: Nhã Chi

Gói thầu do UBND phường Ninh Diêm làm chủ đầu tư, có giá dự toán 5,708 tỷ đồng. Chịu trách nhiệm mời thầu là Công ty CP Tư vấn Thiết kế Xây dựng Ninh Thuận.

Trong số 2 nhà thầu tham dự, Công ty TNHH Xây dựng Ivcon được lựa chọn trúng thầu với giá 5,689 tỷ đồng (đây là giá dự thầu sau khi được hiệu chỉnh sai lệch, giá dự thầu ban đầu của Nhà thầu là 5,896 tỷ đồng, cao hơn giá dự toán của Gói thầu), đạt tỷ lệ giảm giá 0,01%. Nhà thầu tham dự còn lại là Công ty TNHH Xây dựng Trường An (Nhà thầu Trường An), có giá dự thầu sau giảm giá là 4,86 tỷ đồng, giảm 14,8% so với giá gói thầu.

Phản ánh đến Báo Đấu thầu, Nhà thầu Trường An cho biết, Nhà thầu bị loại bởi hàng loạt tiêu chuẩn đánh giá nhân sự chủ chốt tại HSMT được quy định quá cao so với mặt bằng chung, không cần thiết so với quy mô, tính chất của Gói thầu.

Theo đó, Nhà thầu Trường An bị loại do đề xuất nhân sự đảm nhiệm vị trí kỹ thuật thi công dân dụng và kỹ thuật thi công cấp, thoát nước, sân đường, điện cùng có bằng đại học từ năm 2014, đồng nghĩa với việc 2 nhân sự này có 6 năm kinh nghiệm tính đến thời điểm dự thầu, thấp hơn 10 năm quy định tại HSMT.

Đồng thời, nhân sự phụ trách công tác an toàn lao động mà Nhà thầu đề xuất có bằng bảo hộ lao động năm 2012, tương đương 8 năm kinh nghiệm, cũng thấp hơn số năm quy định tại HSMT là 10 năm.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, Nhà thầu Trường An cho biết từng tham dự và trúng nhiều gói thầu xây lắp dân dụng quy mô, tính chất tương tự. Song, quy định về tổng số năm kinh nghiệm của các vị trí nhân sự chủ chốt không đòi hỏi khắt khe như tại gói thầu này. Thay vào đó, HSMT chỉ yêu cầu 5 năm kinh nghiệm đối với Chỉ huy trưởng. Các vị trí nhân sự còn lại yêu cầu từ 2 - 3 năm. Đơn cử, Gói thầu 01XL Xây lắp và thiết bị Trường THCS Hoàng Văn Thụ, tỉnh Phú Yên (giá dự toán 32 tỷ đồng); Gói thầu Xây lắp Trụ sở UBND xã Diên Thạnh (giá dự toán 11,7 tỷ đồng) và Gói thầu Xây lắp Trụ sở UBND xã Diên Hòa (giá dự toán 8 tỷ đồng) cùng trên địa bàn huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa...

Mở rộng khảo sát của phóng viên Báo Đấu thầu cho thấy, tại rất nhiều gói thầu xây lắp với quy mô, tính chất tương tự gói thầu nêu trên, tiêu chí về số năm kinh nghiệm của các vị trí nhân sự chủ chốt thông thường được quy định tối thiểu từ 3 - 5 năm.

Trước kiến nghị của Nhà thầu, Chủ đầu tư cho biết, tổng số năm kinh nghiệm là 10 năm tương đương với số năm cần thiết để nhân sự hoàn thành đủ số lượng công trình tương tự và được cấp chứng chỉ hành nghề tương ứng. Đồng thời, gói thầu nêu trên có quy mô trên 5 tỷ đồng, không chỉ dành riêng cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Do đó, xét quy mô, tính chất phức tạp của công trình, Chủ đầu tư khẳng định tiêu chí này hoàn toàn phù hợp.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, một chuyên gia đấu thầu khẳng định kiến nghị của Nhà thầu là hợp lý. Vị chuyên gia cho biết, Thông tư 03/2015/TT-BKHĐT quy định, căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu và pháp luật về xây dựng mà HSMT quy định các vị trí nhân sự chủ chốt và số năm kinh nghiệm tối thiểu của nhân sự chủ chốt đó cho phù hợp. Như vậy, văn bản pháp lý này không quy định cụ thể về số năm kinh nghiệm đối với nhân sự chủ chốt. Tuy nhiên, số năm kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự lại được quy định giới hạn từ 3 - 5 năm.

Theo đó, vị chuyên gia khuyến nghị, khi xây dựng HSMT, các chủ đầu tư/bên mời thầu cần vận dụng hợp lý, linh hoạt các quy định pháp luật. Đồng thời, căn cứ vào thực tiễn, mặt bằng chung khi đưa ra các tiêu chuẩn đánh giá nhà thầu. Từ đó, loại trừ được những trường hợp “bỏ sót” các nhà thầu thực sự có năng lực, gia tăng cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả đấu thầu.

Chuyên đề